Theo dõi trên

Cẩn trọng khi phát triển diện tích cây sầu riêng

22/08/2022, 05:27

Đầu năm 2022, nhiều loại trái cây rớt giá sâu, chỉ trái sầu riêng có giá khá ổn định. Không ít người trồng mở rộng thêm diện tích trồng, cũng có người bỏ cây trồng khác thay vào cây sầu riêng. Trong khi đó, Trung Quốc đang trồng thành công cây sầu riêng theo quy mô thương mại. Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về phát triển diện tích trồng cây này.

1. Mặc dù Bình Thuận không phải là thủ phủ trồng sầu riêng, nhưng trong những năm gần dây, cây sầu riêng bén rễ ở nhiều nơi trong tỉnh, mang lại lợi nhuận tương đối ổn định cho người trồng. Tại Đức Linh, cây sầu riêng phát triển ở Đa Kai, Mê Pu hơn 1.200 ha; tại Hàm Thuận Bắc, xã Đa Mi có khoảng 1.000 ha cây sầu riêng. So với sầu riêng ở Đa Kai, Mê Pu và Đa Mi, cây sầu riêng hình thành ở Tà Pứa (xã Đức Phú), thôn Đa Mi (xã La Ngâu) thuộc Tánh Linh muộn hơn, với diện tích hơn 200 ha. Đó là diện tích bề nổi, chứ diện tích thực tế sẽ cao hơn nhiều. Nhìn chung, cây sầu riêng phù hợp với thổ nhưỡng những vùng được đề cập trên cho ra sản phẩm đạt chất lượng lẫn mẫu mã.

Trong năm 2022, giá đầu ra của nhiều loại trái cây xuống thấp, làm cho người trồng không có lãi. Riêng sầu riêng, giá 45.000 - 75.000 đồng/kg, tùy thuộc từng loại sầu riêng địa phương có hạt hay là sầu riêng hạt lép. Mức giá này tạm ổn - không tăng, không giảm, người trồng vẫn có lãi ổn định. Suốt bao năm qua, cây sầu riêng mang đến cho người trồng kinh tế khá ổn định, nhà cửa khang trang. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Văn Thanh ở xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc).

Chính vì cây sầu riêng mang lại thu nhập đáng kể cho người trồng, với giá đầu ra ổn định. Không ít người trồng phá bỏ cà phê, tiêu, xoài Đài Loan thay vào đó trồng cây sầu riêng. Đồng nghĩa, cây sầu riêng đang ngày càng mở rộng diện tích. Điển hình chị Nguyễn Thị Ngần (xã Đa Mi, Hàm Thuận Bắc), phá bỏ hơn 3 ha cây xoài Đài Loan thay vào trồng cây sầu riêng. Chị Ngần cho biết: “Từ năm 2021 đến đầu năm 2022, xoài Đài Loan rớt giá thảm hại, loại tốt 1.500 đồng/kg, thương lái không mua loại xấu mã. Vì thế, chị trồng cây sầu riêng thay cho xoài, với hy vọng giá cả ổn định”.

sau-rieng-tq.jpg
Sầu riêng Trung Quốc bắt đầu kết trái (nguồn Produce report)

2. Được biết, cả nước có hơn 84.800 ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng 700.000 tấn/năm. Các tỉnh trồng sầu riêng với diện tích lớn gồm Tiền Giang, Long An, Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Lâm Đồng… Trung Quốc là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về tiêu thụ sầu riêng, nhập khẩu hơn 821.000 tấn vào năm 2021. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc tăng bình quân 16% mỗi năm trong các năm qua. Các quốc gia được phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc. Cụ thể Malaysia sầu riêng đông lạnh, Thái Lan sầu riêng tươi và đông lạnh, Việt Nam sầu riêng tươi. Tình hình chung, sầu riêng xuất khẩu được, giá ổn định, thì người trồng sầu riêng trong nước nói chung và Bình Thuận nói riêng đều được hưởng lợi.

Tuy nhiên, trang web Produce report mới đây cho biết: Diện tích trồng sầu riêng ở tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) hiện đã vượt quá 2.000 ha, dự báo sẽ tung ra thị trường vào năm 2024 với nguồn cung hàng năm là 45.000–75.000 tấn. Người dại diện của Công ty Nông nghiệp Youqi Hải Nam, tuyên bố rằng cây sầu riêng của công ty đang phát triển tốt. Cây sầu riêng của họ đang cho nhiều trái hơn so với dự kiến mỗi năm, có trái nặng khoảng 5 kg.

Cây sầu riêng lần đầu tiên được đưa đến Hải Nam vào những năm 1950. Tuy nhiên, cây không ra hoa hoặc kết trái do kỹ thuật canh tác chưa tốt. Đến những năm gần đây, các viện nghiên cứu khoa học địa phương tiếp tục khám phá các phương án mới để kiểm soát dịch hại và quản lý nước và phân bón, và tỷ lệ sống của cây sầu riêng đã tăng lên hơn 95%. Theo thống kê của Viện Khoa học nông nghiệp Hải Nam, ngành trồng sầu riêng đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Ở Baoting, Sanya, Ledong, Lingshui và các thành phố và quận phía nam khác, ban đầu canh tác lẻ tẻ, nay đã phát triển thành một vùng sản xuất hơn 2.000 ha. Một cơ sở sản xuất sầu riêng ở tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc đã bắt đầu kết trái, hướng đến việc trồng sầu riêng quy mô thương mại thành công ở Trung Quốc.

sau-reing-tq-1.jpg
Sầu riêng Trung Quốc bắt đầu kết trái (nguồn Produce report)

3. Từ thông tin trên, nhìn lại câu chuyện cây thanh long ở Bình Thuận. Trong giai đoạn trước đây, cây thanh long làm cho nhiều người trồng có cuộc sống sung túc, nhiều người trở nên khá, giàu có cũng nhờ cây thanh long. Chính vì thế, cây thanh long phát triển rất nhanh về diện tích trồng ở trong tỉnh và nhiều tỉnh khác. Khi Trung Quốc trồng thanh long thành công, nhiều cơ quan chức năng cảnh báo người trồng không phát triển diện tích cây thanh long một cách tự phát. Tuy nhiên, diện tích cây trồng ấy vẫn cứ trên đà tăng, khi nguồn cung vượt quá cầu, giá thanh long xuống thấp, thậm chí thương lái không mua thanh long. Người trồng lỗ đậm, lao đao trong cảnh nợ nần do đầu tư phân thuốc mà không bán được sản phẩm. Không ít người phải nhổ bỏ trồng cây khác.

Quay lại câu chuyện cây sầu riêng, qua những kênh tin tức cho thấy cây sầu riêng ở Trung Quốc đã trồng thành công, hướng tới trồng quy mô thương mại. Trong khi đó, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam chủ yếu vào thị trường Trung Quốc. Điều này cảnh báo người nông dân Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng, cẩn thận trong việc mở rộng diện tích cây sầu riêng, tránh tình trạng cung vượt quá cầu dẫn đến giá thấp. Bài học từ cây thanh long vẫn còn đó.

Bài viết tham khảo nguồn Produce report.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Rà soát các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng sang thị trường Trung Quốc
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thông tin, tuyên truyền các quy định tại Nghị định thư về “Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc” đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trái sầu riêng trên địa bàn.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cẩn trọng khi phát triển diện tích cây sầu riêng