Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa phát đi thông tin cảnh báo về tình trạng mạo danh doanh nghiệp để lừa đảo, thu tiền của người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, thời gian gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được kiến nghị, phản ánh của người lao động, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (doanh nghiệp dịch vụ) về các đối tượng mạo danh là cán bộ, nhân viên doanh nghiệp dịch vụ để lừa đảo, thu tiền của người lao động. Các đối tượng mạo danh sử dụng tên doanh nghiệp gần giống với tên của doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép; tài khoản nhận tiền là tài khoản cá nhân trùng với tên lãnh đạo của doanh nghiệp dịch vụ có giấy phép để lừa thu tiền của người lao động.
Để tránh bị các đối tượng lừa đảo, trục lợi từ người lao động đồng thời làm ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp dịch vụ, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp dịch vụ hoặc cơ quan lao động nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ và làm thủ tục đưa đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp đăng tải trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước địa chỉ: “http://dolab.molisa.gov.vn” (tại mục: danh sách doanh nghiệp xuất khẩu lao động).
Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo người lao động chỉ trực tiếp nộp tiền dịch vụ tại doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (không nộp tại chi nhánh của doanh nghiệp); yêu cầu doanh nghiệp dịch vụ cấp phiếu thu tiền hoặc hóa đơn có các nội dung: tên đầy đủ của doanh nghiệp, ngày lập chứng từ, tên người nộp tiền, số tiền và nội dung nộp, tên kế toán, tên thủ quỹ và đóng dấu doanh nghiệp (ghi rõ họ tên, chức danh và ký nhận). Người lao động cần đối chiếu, kiểm tra thông tin doanh nghiệp để đảm bảo là doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép (tên, địa chỉ, mã số thuế...).
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong trường hợp vì lý do khách quan, người lao động không thể nộp tiền trực tiếp tại doanh nghiệp mà nộp bằng hình thức chuyển khoản, người lao động cần kiểm tra kỹ thông tin để đảm bảo số tài khoản nhận tiền, tên tài khoản đúng của doanh nghiệp dịch vụ. Khi có vấn đề phát sinh liên quan đến các doanh nghiệp dịch vụ, các đối tượng mạo danh nhân viên doanh nghiệp dịch vụ, đề nghị người lao động và doanh nghiệp phản ánh tới cơ quan chức năng (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội...) để được hướng dẫn và xử lý.
Tại Bình Thuận, nhiều người dân vẫn có mong muốn đi xuất khẩu lao động để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, ngoài những người đi xuất khẩu lao động theo diện hợp đồng được các cấp chính quyền, địa phương giới thiệu thì vẫn còn một số trường hợp đi nước ngoài theo kiểu “tự túc”. Hầu hết những người này đi xuất khẩu lao động nước ngoài theo kiểu “người đi trước mách nước cho người đi sau”. Một số người dân Bình Thuận sau khi đi xuất khẩu lao động ở các nước một thời gian, thấy thu nhập cao đã “hướng dẫn”, chỉ cho người ở nhà liên hệ làm các thủ tục để đi xuất khẩu lao động. Trường hợp này tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến người dân bị lừa đảo. Và trên thực tế đã có nhiều trường hợp người dân tự liên hệ đi xuất khẩu lao động rồi bị kẻ xấu lừa tiền.
Từ năm 2023 đến nay, Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh đã phối hợp với 15 doanh nghiệp uy tín tổ chức tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh, hoàn thiện thủ tục và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các cơ quan, địa phương, đơn vị thường xuyên phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp trong quá trình tư vấn, tuyển chọn lao động cũng như chủ động nắm bắt những khó khăn, vướng mắc giải quyết kịp thời phối hợp giải quyết. Toàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Vì vậy, cơ hội để người dân tìm kiếm cơ hội đi xuất khẩu lao động còn rất nhiều. Người dân cần chủ động liên hệ với các cấp chính quyền để được hướng dẫn cụ thể, tránh việc tự đi tìm hiểu rồi “tiền mất, tật mang”.