Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Xuất khẩu lao động còn nhiều khó khăn

13/12/2024, 13:57

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là một hướng đi quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người lao động thoát nghèo nhanh và bền vững. Những năm qua, huyện Hàm Thuận Bắc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức nhằm tạo ra cơ hội cho người lao động ở địa phương. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Đa dạng các hình thức tuyên truyền

Đến năm 2023, huyện Hàm Thuận Bắc còn hơn 1.500 hộ nghèo (3,19%) và hộ cận nghèo 1.761 hộ (3,51%). Để thúc đẩy công tác đưa người lao động trên địa bàn huyện đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tạo việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững, địa phương đã đẩy manh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức. UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua việc phát các bản tin trên Đài truyền thanh huyện, hệ thống phát thanh xã, thị trấn, các thôn, khu phố. UBND huyện cũng đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Thể thao huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức thông báo rộng rãi nội dung đăng ký trên hệ thống truyền thanh của huyện và xã, thị trấn để người lao động trên địa bàn huyện biết đăng ký tham gia. Đồng thời các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền và niêm yết thông báo để đăng ký theo đúng thủ tục, thời gian quy định.

z6126151813686_54d2d1bab1a6cb0ea430a131b9ac5285.jpg

Mặt khác, Phòng Lao động - TB&XH của huyện cũng phối hợp với công chức phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội các xã, thị trấn tuyên truyền thông qua các trang Mạng intenet, Zalo… Đồng thời phối hợp UBND các xã, thị trấn, tổ chức thực hiện các buổi tuyên truyền công tác xuất khẩu lao động, tư vấn giới thiệu việc làm sau khi người lao động về nước trên toàn địa bàn huyện. Theo đó, đã có trên 900 lượt người lao động được tuyên truyền, tư vấn, thông tin về đơn hàng, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với người lao động khi tham gia xuất khẩu lao động. Qua công tác tuyên truyền, tư vấn, thông tin về các chính sách hỗ trợ, người lao động đã có nhận thức rõ hơn về công tác xuất khẩu lao động và vai trò của công tác lao động việc làm nói chung, xuất khẩu lao động nói riêng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của gia đình và địa phương.

Anh Phạm Lê Công Hiệp (thôn Suối Đá, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, nhờ công tác tuyên truyền mà anh đã nắm bắt được thông tin, từ đó tìm hiểu và đăng kí đi XKLĐ tại Nhật. Hiện tại, anh trở về nước sau 3 năm làm việc và cũng đang có ý định sẽ tiếp tục quay trở lại Nhật để làm việc trong thời gian đến. "Sau khi học xong Trung cấp điện lạnh, tôi vẫn chưa tìm được việc làm. Thời điểm đó, nghe nhiều về thông tin của địa phương về việc đưa người Việt đi lao động ở nước ngoài nên tôi đã tìm hiểu vài thị trường và quyết định sang Nhật Bản với mức lương ổn định và môi trường làm việc chuyên nghiệp. Thời gian mới đặt chân tới xứ người, không người thân, không bạn bè, tôi cũng cảm thấy rất nhớ nhà. Tuy nhiên sau giai đoạn khó khăn ban đầu, tôi đã thấy thoải mái hơn rất nhiều bởi môi trường làm việc tốt, thu nhập ổn định”, anh Hiệp bộc bạch.

z6126151813440_c72717d6877bcbc514ac06b88b545338.jpg

Chưa đạt như mong muốn

Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp để đưa người lao động trên địa bàn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thế nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Đa số những lao động đi nước ngoài làm việc theo diện tự phát hoặc đi theo các đơn vị tư vấn không được quản lý. Từ năm 2020 đến năm 2023 đã có 6 lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, các lao động chủ yếu tập trung đi thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản.

z6126151806864_20794dfa359ce04091b0af716af07188.jpg

UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho rằng, khó khăn ở đây chính là do trình độ văn hóa, nhận thức của một bộ phận người lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, phong tục tập quán lạc hậu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức tuyên truyền các cơ chế chính sách liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, phí xuất cảnh cho các đơn hàng trong thực tế tương đối cao, gây tâm lý ngại tham gia đối với một số lao động. Mặt khác, một số trường hợp thanh niên tham gia xuất khẩu lao động đi theo kênh tự do, bởi cho rằng như vậy thủ tục sẽ nhanh gọn. Ngoài ra, hồ sơ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa chặt chẽ, không qua cấp quản lý nhà nước cấp huyện (Phòng Lao động-TB&XH huyện). Các đơn vị tuyển lao động thay đổi nhiều và liên tục, không đảm bảo về độ an toàn.

Để khắc phục tình trạng, huyện Hàm Thuận kiến nghị UBND tỉnh cần ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác xuất khẩu lao động sao cho đảm bảo an toàn cho người lao động, hạn chế việc thay đổi các đơn vị tuyển dụng, chỉ đạo các ngành liên quan, doanh nghiệp…kịp thời thông báo kết quả, chất lượng làm việc của người lao động và những thông tin liên quan khác cho địa phương theo dõi, quản lý.

NGỌC DIỆP


(1) Bình luận
Bài liên quan
Nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Hiện nay thị trường lao động của nước ta đang phát triển, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và xuất khẩu lao động đã và đang từng bước đi vào cuộc sống. Tuy nhiên vẫn cần có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng xuất khẩu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Xuất khẩu lao động còn nhiều khó khăn