Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là người lao động ở nông thôn, địa bàn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đây còn là cơ hội cho lao động Việt Nam học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới...
Trên cơ sở kế hoạch này, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, bố trí nguồn lực và tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Kế hoạch đã đề ra 4 nhiệm vụ, giải pháp, đó là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật.
Tại Bình Thuận, thời gian qua cả hệ thống chính trị của tỉnh luôn xác định xuất khẩu lao động là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội. Do đó những năm qua, Bình Thuận đã thực hiện nhiều giải pháp để công tác này đạt hiệu quả thiết thực nhất.
Qua theo dõi và nắm bắt thông tin, hầu hết người lao động đều có việc làm và thu nhập ổn định, đặc biệt là lao động làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài việc có thu nhập cao, người lao động còn được tiếp thu các công nghệ quản lý sản xuất, kinh doanh hiện đại, tích lũy được vốn kiến thức sâu rộng để sau này về nước tiếp tục con đường lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù của địa phương nên công tác xuất khẩu lao động trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người dân chưa tích cực hưởng ứng, vận động con em tham gia mặc dù đã được tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi. Người lao động vẫn còn tâm lý e ngại đi lao động ở nước ngoài, không thích sống xa nhà. Một số đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, chi phí xuất cảnh, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, sức khỏe... tương đối cao (Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản), nên người lao động khó đáp ứng được.
Để đẩy mạnh công tác đưa lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài; thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Trung ương và địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, giới thiệu các thị trường đi làm việc ở nước ngoài tại các địa phương cho người lao động để tuyển chọn đưa đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu của nước tiếp nhận lao động. Đảm bảo giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu nhất là về ngoại ngữ, văn hóa, phong tục tập quán, luật pháp nước sở tại và kỹ năng nghề cho người lao động. Tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng các trường hợp phát sinh đối với người lao động đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động…