Theo dõi trên

Đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu có 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài

10/12/2024, 05:44

Dự báo trong năm 2025, hoạt động đưa người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài trong tỉnh sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động. Do đó, tác động không nhỏ đến việc cung - cầu lao động của nhiều quốc gia trên thế giới, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức trong công tác đưa lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài.

Quyền lợi được bảo đảm

Theo Sở Lao động -Thương binh và xã hội (LĐ - TB&XH), thời gian qua, nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các cấp, các ngành ngày càng được nâng lên. Từ đó đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là về thủ tục hồ sơ pháp lý. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thực hiện nghiêm túc; quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được bảo đảm. Mặt khác, ngày càng có nhiều lao động chủ động hơn trong việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin về thị trường lao động ở nước ngoài. Qua đó, lựa chọn các thị trường có chất lượng, thu nhập cao để đăng ký tham gia. Hầu hết lao động đều chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật của nước sở tại; chưa phát hiện tình trạng bị lừa đảo.

xuat-khau-lao-dong-dai-loan-nganh-may-2-.jpg
Xuất khẩu lao động ngành may ở Đài Loan. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh còn ít, chất lượng lao động còn thấp, tham gia vào thị trường có thu nhập cao chưa nhiều (khoảng từ 30 - 35%/tổng số người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng). Bên cạnh đó, doanh nghiệp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh nên việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ, nhất là tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tư vấn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng... tại một số địa phương còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung và hình thức nên chưa thu hút nhiều lao động tham gia.

Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Để thực hiện được điều đó, Sở LĐ – TB&XH tỉnh đã đề ra các giải pháp. Tăng cường tuyên truyền, quán triệt sâu sắc trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đối với công tác đưa người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW/2022 của Ban Bí thư; Kế hoạch số 145-KH/TU/2023 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 4226KH-UBND/2024 của UBND tỉnh. Đặc biệt cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về các cơ chế, chính sách của Đảng và nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà dư luận quan tâm nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động ngoài nước, chú trọng các thị trường lao động có thu nhập cao, an ninh chính trị ổn định, phù hợp với trình độ tay nghề của lao động địa phương.

nen-di-nhat-ban-hay-dai-loan1.jpg
Tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường lao động ngoài nước (ảnh minh họa)

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý

Đồng thời, thực hiện tốt công tác đào tạo nghề nông thôn nhằm tạo nguồn lao động chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của thị trường lao động ngoài nước. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan trong công tác bảo hộ công dân địa phương khi đi làm việc ở nước ngoài. Song song đó, tăng cường công tác giám sát và quản lý nhà nước về việc đưa người lao động địa phương đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn. Thường xuyên quan tâm, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn trong việc phối hợp với doanh nghiệp tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đặc biệt, phải phối hợp giáo dục lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm nhằm quản lý, hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn, vi phạm pháp luật của nước sở tại, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng.

hoi-ve-quy-trinh-di-xuat-khau-lao-dong-dai-loan.jpg
Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trên địa bàn tỉnh. (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, rà soát, đề xuất Trung ương bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Triển khai đầy đủ và kịp thời các chính sách, điều kiện tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Công khai, minh bạch các khoản phí do Trung ương quy định. Triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động, ưu tiên quân nhân xuất ngũ, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tham mưu sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực này khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về tham gia thị trường lao động trên địa bàn tỉnh.

Song song, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Phân công, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác quản lý, bảo hộ công dân đối với lao động của tỉnh ở nước ngoài phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chủ động đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn sự chống phá của các thế lực thù địch liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ LĐ – TB&XH ban hành Thông tư hướng dẫn Khoản 1 Điều 60 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để địa phương có cơ sở xây dựng chính sách hỗ trợ theo quy định. Bộ cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kiên quyết thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp không thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, không để tình trạng doanh nghiệp thu tiền của người lao động trái quy định xảy ra; kịp thời thông tin đầy đủ, công khai về doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
La Gi: Nâng cao vai trò, tầm quan trọng của xuất khẩu lao động
Theo Ban Thường vụ Thị ủy La Gi, những năm qua, thị xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Tuy nhiên, doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, có tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi hết hạn hợp đồng không về nước, chậm được khắc phục...
Nổi bật
Câu chuyện gia đình trong từng tiểu phẩm
Truyền thông bình đẳng giới thông qua hội thi chính là cách mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức mới đây để đa dạng công tác tuyên truyền và phát huy tính sáng tạo của các thành viên trong Tổ truyền thông cộng đồng. Đây là những thành viên cốt cán của Dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh (Dự án 8).
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu có 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài