Theo dõi trên

Cảnh đời không may mắn của những đứa trẻ vùng cao

24/05/2024, 05:05

(Nhân đọc Chuyện buồn của một gánh trầu không của Ngô Lạp –Nhà xuất bản Hội Nhà văn, quý IV/2018)

Tập truyện ngắn “Chuyện buồn của một gánh trầu không” của Ngô Lạp (Ngô Công Thành, Bắc Bình) gồm 12 truyện ngắn. Phần lớn các tác phẩm trong tập truyện xoay quanh về chủ đề học trò. Tác giả đặc biệt quan tâm và dành nhiều tình cảm với học trò, nhất là học trò nghèo kém may mắn, nhưng học giỏi. Trong mỗi tác phẩm, tác giả như hóa thân thành người thầy, người cô sẻ chia, cảm thông với học trò thân yêu của mình.

Đó là câu chuyện đẫm nước mắt về cô bé Vy thông minh, học giỏi, bị bệnh gan bẩm sinh trong truyện ngắn “Cô ơi, con muốn sống” thật tội nghiệp. Vy sinh ra trong một gia đình nghèo, cha bị liệt hai chân phải ngồi xe lăn đi bán vé số, còn mẹ em bị bệnh tim không thể làm công việc nặng. Da của Vy lúc nào cũng vàng bệch. Biết em bị bệnh “nhưng cha mẹ em không thể đưa em đi khám bệnh vì gia đình em nghèo quá!”. Bệnh của Vy trở nên nghiêm trọng khi em đang học lớp bảy. Những chia sẻ của Vy khiến người đọc không khỏi xúc động. Vy chỉ mong ước nhỏ nhoi là được sống để sau này trở thành cô giáo giúp cha hàng ngày không phải đi bán vé số. Và khi nằm trong vòng tay yêu thương của cô giáo em đã thốt lên: “Cô ơi, giúp em với cô ơi! Em không muốn chết!”. Một cô bé ngoan hiền, đáng yêu như thế, nhưng không giống như những câu chuyện trong cổ tích nên chẳng có một phép màu nào giúp em vượt qua được bệnh tật. Và điều gì đến cũng đã phải đến, em đã ra đi trong sự tiếc thương của gia đình, thầy cô và bè bạn.

Có chung số phận như bé Vy, hoàn cảnh của Mỹ Lan trong truyện ngắn “Mười lăm con hạc giấy” thật đáng thương. Mỹ Lan thông minh học giỏi, nhưng chẳng may bị bệnh ung thư xương. Dù rất đau đớn ngất lên ngất xuống và biết mình chẳng sống được bao lâu, nhưng Mỹ Lan vẫn quyết tâm đến trường để nghe thầy cô giáo giảng bài. Em muốn trước khi "ra đi" phải lấy cho được mảnh bằng tốt nghiệp cấp ba. Trong buổi lễ tổng kết năm học, cô hiệu trưởng “xúc động rưng rưng dòng lệ, khuyên các bạn học sinh hãy noi gương em Mỹ Lan, cố gắng học tập để là người có ích cho nước nhà”. Mỹ Lan là biểu tượng về tinh thần học tập, em được bạn bè, thầy cô yêu thương và quý mến.

Không bi kịch như bé Vy và Mỹ Lan, nhưng truyện ngắn “Một đêm huyền ảo” lại khiến bạn đọc rưng rưng nước mắt thương cho những đứa trẻ vùng cao. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không có điều kiện cắp sách tới trường, nhưng vẫn ước mơ và khát khao được học cái chữ. Ở truyện ngắn này, tác giả hóa thân thành một người thanh niên đi lạc vào rừng và vô tình gặp hai chị em đang bắt cá ở một con suối. Khi tiếp xúc với hai cô gái, chàng thanh niên hỏi: “Em có đi học không?”. Thì Mỵ, cô em trả lời: “Làm sao mà đi học được. Em sinh ra trong rừng núi. Em phải làm việc với mẹ và chị hàng ngày để kiếm cái ăn cái mặc. Em cũng rất ước muốn được học chữ, đọc chữ lắm chứ”… Những lời tâm sự chân thành của cô bé Mỵ, chàng thanh niên đã thốt lên: “Thật tội nghiệp! Có biết bao người không có cái may mắn được đến trường, hoặc chỉ được học rất ít. Với họ, sự học là một điều xa xỉ, một cái gì đó thật là xa xôi, trừu tượng. Thực tế của cơm áo đời thường không cho phép mơ tưởng viễn vông và họ đã phải chiến đấu để mà sống còn giữa chốn thiên nhiên”…

Rất nhiều câu chuyện cảm động khác trong tập truyện ngắn của Ngô Lạp, nhưng đọng lại và gợi cho bạn đọc nhiều ấn tượng nhất là truyện ngắn “Chuyện buồn của một gánh trầu không”, tác phẩm cùng tên với nhan đề của tập sách. Chuyện kể về cuộc đời cơ cực của một người bà đã chín mươi chín tuổi sống với đứa cháu ngoại. Suốt cả tuổi thanh xuân của bà gắn liền với gánh trầu không. Mỗi ngày bà đi hơn hai mươi cây số với gánh trầu không trên vai để nuôi ba đứa con ăn học nên người. Nhưng rồi “suốt cả thời gian già yếu không được đứa con nào chăm sóc, chỉ sống heo hút một mình với đứa cháu ngoại thân yêu”. Những lời nói mê, nói lú của bà vang lên trong đêm trường vắng lặng, như tiếng thở dài trầm lắng: “Năm ơi, chờ dì đi với con. Gánh trầu của dì nặng quá… Bảy ơi, con bán cho dì đôi dép hai ngàn nghe con, dép của dì đứt rồi. Ngày nào cũng gánh trầu đi tới hai mươi cây số, dép guốc nào mà chịu nổi hả con?...” nghe mà não lòng.

Một người bà góa bụa suốt đời lo nghĩ cho con cho cháu, sống bao dung không một lời oán than trách móc. Một học trò biết mình chẳng sống được bao lâu vẫn cứ quyết tâm theo đuổi con chữ đến cùng. Một em nhỏ sống trong rừng nay đây mai đó vẫn ước ao một ngày được cắp sách tới trường. Một cô bé biết bệnh từ nhỏ, nhưng không có tiền chữa trị đành phải chấp nhận cái kết đau lòng… Những hình ảnh đáng thương ấy đã gieo vào lòng người bao ý nghĩ, bao câu hỏi, bao trăn trở về cuộc sống nhân sinh.

Truyện của Ngô Lạp không gây bất ngờ cho bạn đọc, nhưng lại lôi cuốn bạn đọc bởi những tình tiết và sự diễn đạt khéo léo. Từ lời thoại cho đến tính cách và tâm lý của nhân vật thật phù hợp với khung cảnh và bối cảnh trong các câu chuyện. Gấp quyển sách lại, bạn đọc sẽ cảm thấy bùi ngùi. Bùi ngùi với những cảnh đời bất hạnh, bùi ngùi với cảnh đời éo le của các học trò nghèo, bùi ngùi với những ước mơ cắp sách đến trường của các em nhỏ vùng cao và đồng cảm với những nhân vật trong tác phẩm.

HỒ XUÂN HẢI


(0) Bình luận
Bài liên quan

 Lý Hải cùng ê kíp "Lật mặt 7: Một điều ước" giao lưu với khán giả Phan Thiết
BTO-Tối 11/5,  Đạo diễn Lý Hải cùng ê kíp phim “Lật mặt 7: Một điều ước” và ê kíp đoàn phim đã xuất hiện tại cụm rạp Cinema Lotte Phan Thiết khi khán giả đang thưởng thức những tình tiết của phim và giao lưu cùng khán giả.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh đời không may mắn của những đứa trẻ vùng cao