Theo dõi trên

Cảnh giác ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm

21/09/2023, 05:30

An toàn thực phẩm (ATTP) là mối quan tâm của toàn xã hội. Sự chủ động trong công tác phòng chống các bệnh do ngộ độc thực phẩm góp phần chăm sóc, cải thiện sức khỏe con người.

Từ nay đến đầu tháng 10/2023, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP của tỉnh kiểm tra đột xuất những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các sản phẩm được sử dụng nhiều vào dịp trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt… Hoạt động này ngăn chặn, phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng hay quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ và sử dụng nguyên liệu thực phẩm không bảo đảm an toàn.

lay-mau.jpg
Thành viên đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh ATTP lấy mẫu.

Bác sĩ Nguyễn Bá Tòng - Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP cho biết: Đoàn kiểm tra trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề tồn tại trong quản lý, những vi phạm ATTP; bảo đảm việc kiểm tra tránh chồng chéo, trùng lắp, gây phiền hà cho cơ sở. Khi phát hiện vi phạm, cơ sở sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không để thực phẩm không bảo đảm ATTP lưu thông trên thị trường. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ghi nhãn, quảng cáo thực phẩm cũng bị xử lý nghiêm và áp dụng các biện pháp đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Trong quá trình kiểm tra, đoàn kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng bảo đảm ATTP.

Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 60.000 cơ sở thực phẩm, hộ cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm ở 3 nhóm lĩnh vực nông nghiệp, y tế và công thương. Trong đó, hơn 7.800 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống. Từ đầu năm đến nay, các sở ngành, địa phương đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 4.012 cơ sở thực phẩm (2.912 cơ sở thức ăn đường phố), thì xử phạt 65 cơ sở với số tiền 736.160.000 đồng

Các cơ sở trên vi phạm về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đã hết hiệu lực, không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, điều kiện cơ sở vật chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm không đáp ứng yêu cầu; không nộp bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; sản xuất thực phẩm có chỉ tiêu ATTP không phù hợp với quy chuẩn; kinh doanh hàng hóa không có nhãn, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không phân loại, bảo quản thực phẩm hết hạn sử dụng với sản phẩm phục vụ kinh doanh… Sử dụng phụ gia thực phẩm thuộc danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá mức tối đa cho phép; sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Với số liệu trên cùng với thực tế hàng ngày trong việc chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, sự lo lắng cho sức khỏe của bản thân, người nhà khi nguồn cung thực phẩm đang lẫn lộn chất lượng là nỗi niềm chung của nhiều người. Vì vậy, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP; hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Cùng với đó, người dân lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; tẩy chay hàng nhái, hàng không đạt chất lượng; tố giác hành vi vi phạm vệ sinh ATTP…

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Sở Y tế Bình Thuận vừa ban hành kế hoạch triển khai Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới của ngành y tế tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảnh giác ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm