Thấy lạ tôi liền hỏi: - Chú ơi, cào đá nhỏ này về làm gì vậy? Một anh trong nhóm trả lời: - Về đổ trên cây cảnh cho đẹp. Tôi nửa tin, nửa ngờ rồi men theo tảng đá lớn đến hỏi một thanh niên khác. Tôi được câu trả lời khác trước: - lấy đá nhỏ ở bãi biển đá nhảy về xay trộn với các chất khác làm thức ăn cho tôm. Tôi nghe có lý. Bởi lẽ, tôm thường ăn các thức ăn tự nhiên như: Động thực vật phù du, các chất mùn, bã hữu cơ…
Tôi mở bao tải lấy một vốc nắm trên tay xem kỹ thì loại họ cào ở bờ biển có đủ loại cát, đá, vỏ sò, ốc chất phù du trên bãi biển. Tôi nghĩ, những người cào nguyên liệu trên bờ biển liệu có xâm hại đến bãi biển đá nhảy ? Đây là một thắng cảnh ven biển tuyệt đẹp của Hàm Thuận Nam. Vịnh đá nhảy là một bãi đá nhấp nhô, đa dạng, xen lẫn với những bãi cát trắng mịn. Đá muôn hình vạn trạng, luôn biến đổi màu sắc theo sự lên xuống của thủy triều. Động thực vật thường bám vào vách đá sinh sống. Từ xa nhìn vịnh đá nhảy như một vườn đá; sự bài trí của tự nhiên rất đa dạng; có những tảng đá lớn như con voi, trâu đằm, có khối nhỏ như ốc nhảy đầu sóng hay giống như con cá heo ngoi trên mặt nước trông thật đẹp.
Từ lâu huyện Hàm Thuận Nam coi bãi đá nhảy là điểm tham quan du lịch lý tưởng để con người về với thiên nhiên. Vì thế, việc giữ gìn bãi biển đá nhảy luôn được chú trọng. Nếu ngày nào người dân cũng cào đá, cát, phù du ở bờ biển đá nhảy thì liệu có xâm hại, phá vỡ kết cấu bờ biển của một thắng cảnh đẹp?