Sau khi nguồn đất đắp cao tốc đã được Chính phủ khơi thông, trên công trường những ngày này, các nhà thầu lớn đang gấp rút huy động tối đa nhân lực, máy móc, thiết bị thi công “3 ca, 4 kíp”, với quyết tâm đưa 2 dự án cao tốc trên cán đích trước 30/4, như đã cam kết với Chính phủ. Đêm đêm, nhiều đoạn cao tốc băng qua Đồng Nai, Bình Thuận vẫn rực sáng đèn, công nhân vẫn miệt mài làm việc. Thời hạn đưa tuyến chính vào khai thác chỉ còn tính bằng ngày, không khí thi công trên công trường càng khẩn trương, cấp tập hơn, lưng áo đẫm mồ hôi của những người thợ trên công trường trải dài 200 cây số, dưới cái nắng tháng 4 thiêu đốt.
“Giấc mơ” đi tắm biển Mũi Né trong ngày, của người dân TP. Hồ Chí Minh sắp thành hiện thực, khi chỉ 2 tuần nữa thôi thì 99 km cao tốc Bắc-Nam đoạn Phan Thiết-Dầu Giây chính thức đi vào khai thác, kết nối với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Với vận tốc tối đa cho phép 120 km/h, từ TP. Hồ Chí Minh đến khu du lịch quốc gia Mũi Né chỉ mất 2 - 2,5 giờ chạy xe. Nhiều công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh bắt đầu quảng bá tour du lịch biển Phan Thiết bằng cao tốc dịp lễ 30/4 này. “Háo hức quá, xưa nay đi Mũi Né rất sợ đoạn Đồng Nai” - một người dân TP đã thốt lên như vậy. Lễ này, thay vì rẽ sang QL 51 để đi biển Vũng Tàu, nhiều du khách sẽ chạy một mạch trên cao tốc, băng qua những rừng cao su xanh tươi, hay xuyên qua những trang trại thanh long bạt ngàn, để đến Mũi Né trải nghiệm biển xanh, cát trắng, nắng vàng.
Ở chiều ngược lại, cán bộ, nhân dân Bình Thuận từ nay đi TP công tác, học hành, du lịch, thăm người thân, hay khám chữa bệnh… thì chuyện đi về trong ngày không thành “vấn đề” nữa, khi đã có cao tốc. 200 km cao tốc sắp hoàn thành còn tạo làn sóng tốt cho thị trường bất động sản ở Bình Thuận (nhất là bất động sản du lịch), thu hút các nhà đầu tư vào phát triển 3 trụ cột kinh tế địa phương, vì trong du lịch cũng như trong làm ăn, người ta thường tìm đến những nơi có điều kiện đi lại thuận lợi.
Bình Thuận đang quy hoạch và đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường để kết nối trục đường bộ cao tốc với các đầu mối giao thông (các tuyến QL, đường sắt, cảng biển, đường ven biển, sân bay), các đô thị, khu, cụm công nghiệp, vùng du lịch trọng điểm, các trung tâm Logistics của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa của cao tốc thành động lực mạnh mẽ phát triển KT-XH.
Cao tốc đã khơi dậy khát vọng “đại lộ sinh đại phú”, đúng vào dịp kỷ niệm gần nửa thế kỷ giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.