Đến quầy hàng bánh kẹo cháu chồm lên và hồn nhiên lấy một bịch kẹo trái cây dẻo xé ra làm văng tung tóe dưới nền gạch và lượm một cây kẹo bỏ vào miệng nhai ăn ngon lành. Thấy vậy một người khách hàng đứng cạnh bên nhắc nhở cháu đừng phá phách nữa và hỏi cháu ba mẹ cháu đâu sao không trông nom để con nghịch ngợm như thế này.
Nghe người khách nói, mẹ cháu bé bước tới, thay vì nghe và thấy con mình nghịch ngợm như vậy, lẽ ra người mẹ phải cảm ơn người khách nhắc nhở con mình, đồng thời phải bảo ban, trông chừng con. Thế nhưng, điều đáng nói ở đây không phải là việc cháu bé làm mà chính là cách hành xử của người mẹ với người nhắc nhở con mình đại loại như: Nó là trẻ con, nó có phá phách, hư hỏng bánh kẹo thì tui là mẹ nó tui trả tiền, chị có trả tiền đâu mà lớn giọng với con tui như vậy? Người khách hàng với giọng nhỏ nhẹ trả lời lại: “Trẻ con không có nghĩa là được quậy phá nơi bán hàng đâu chị. Chị nói vậy làm sao dạy được con cái. Con mình mỗi ngày mỗi lớn mà, phải nghiêm khắc, uốn nắn từ lúc này chứ. Không khéo dạy sẽ tạo thói quen xấu cho con trẻ đó chị. Với lại mình là người lớn làm tấm gương cho con cái, đừng vì chuyện nhỏ của con trẻ mà có những lời nói không hay”. Nói xong, người khách hàng bỏ đi.
Thực ra ở siêu thị hay nơi vui chơi công cộng, con trẻ đôi khi vì sự hiếu động của mình mà gây ra những rắc rối cho người khác. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ lại luôn bênh con mình chằm chằm vì cho rằng chúng vẫn còn là trẻ con nên có hành vi ngỗ nghịch, phá phách là chuyện bình thường, cần gì mà phải gò ép, hà khắc trong cách dạy dỗ… Đúng vậy, chính vì còn là trẻ con, nên trẻ mới càng cần được quan tâm, bảo vệ; chính vì trẻ con nên sự ngây thơ của trẻ vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, vì vậy trẻ mới càng cần được giáo dục tốt để trở thành người có nhân phẩm, có ích cho xã hội.
Thiết nghĩ, qua sự việc này rất mong các bậc cha mẹ ngoài việc lưu tâm hơn khi đưa con trẻ đi mua sắm trong siêu thị hoặc nơi vui chơi nơi công cộng thì cũng cần để mắt trông chừng, nhắc nhở con trẻ mọi lúc mọi nơi. Bên cạnh, cha mẹ phải biết cách hành xử lịch sự, dạy dỗ con trẻ chứ đừng bao biện “nó trẻ con” mỗi khi trẻ nghịch ngợm, phá phách… gây phiền toái tới mọi người xung quanh bởi sự hiếu động của con mình.