Theo đó, các cơ sở y tế rà soát, bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực để chuẩn bị cho công tác phòng, chống dịch bệnh và phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân nhằm đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế; khẩn trương tập huấn cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo quy định.
Đồng thời, người dân thực hiện các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ. Cụ thể, tránh tiếp xúc gần với người mắc hoặc nghi mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở, nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác.
Người đến các quốc gia, vùng lãnh thổ có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ ở khu vực Trung và Tây Phi, cần tránh tiếp xúc với động vật có vú như động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.
Được biết, ngày 26/9/2023, Bộ Y tế ghi nhận 2 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.