Theo dõi trên

Chủ động phòng ngừa bạo lực gia đình

10/07/2023, 05:43

Từ ngày 1/7/2023, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) năm 2022 có hiệu lực với nhiều điểm mới đáng chú ý, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền con người nhất là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, khuyết tật…

img_1759.jpg
Nâng cao kiến thức cho hội viên phụ nữ về Luật phòng chống bạo lực gia đình

Trong “phòng” có “chống”

Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 kế thừa đầy đủ các quy định cơ bản của luật hiện hành còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007. Theo đó, luật quy định hành vi BLGĐ áp dụng với cả người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau.

tw-ve-tap-huan.jpg
Tuyên truyền cho hội viên phụ nữ và người dân về Phòng chống bạo lực gia đình

Luật thực hiện trong “phòng” có “chống”, trong “chống” có “phòng” bằng cách sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin, truyền thông, giáo dục; rà soát, bổ sung nội dung tư vấn, bổ sung đối tượng cần tập trung tư vấn và quy định trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống BLGĐ đối với người thực hiện tư vấn ở cộng đồng. Đồng thời, sửa đổi quy định về hòa giải trong phòng, ngừa BLGĐ nhằm tránh lợi dụng hòa giải để trốn tránh xử lý hành chính hoặc hình sự. Bổ sung “Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống BLGĐ” là địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về BLGĐ, bổ sung quy định về trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã...

Bên cạnh đó, luật khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ. Nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống BLGĐ để hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp chuyên nghiệp, hiệu quả. Ngoài ra, Luật sửa đổi cũng quy định về trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức có liên quan trong phòng, chống BLGĐ. Cụ thể bổ sung trách nhiệm của Chính phủ định kỳ 2 năm 1 lần hoặc đột xuất báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống BLGĐ; trách nhiệm của các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống BLGĐ…

img_1725.jpg
Tuyên truyền thông qua xây dựng các tiểu phẩm

Để luật đi vào cuộc sống

Cuộc sống kinh tế thị trường, hiện đại hóa ngày càng được nâng cao, người phụ nữ trong xã hội có việc làm, có thu nhập để tự nuôi sống gia đình, có những vị trí cao trong xã hội nên dần dần họ ít bị lệ thuộc vào nam giới. Nhưng như thế không hẳn là không còn tình trạng BLGĐ, mà hành vi bạo lực không còn gói gọn trong việc đánh đập về thể chất mà còn là bạo lực về tinh thần, về kinh tế hay tình dục.

Bà Vũ Thị Anh Đào (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết: Trong nhiều năm làm công tác dân số, phụ nữ, tôi nhận thấy đối tượng bị bạo lực nhiều nhất là phụ nữ. Nhưng chị em vẫn còn nghĩ rằng hành vi BLGĐ là chuyện trong nhà, “bát đũa còn có khi xô” huống gì mâu thuẫn vợ chồng nên xuê xoa, tự giải quyết, ít báo cáo. Chỉ đến khi sự việc căng thẳng, tổn thương nặng về thể chất mới chạy đến chính quyền, đoàn thể nhờ giúp đỡ.

Vì thế, bà Đào cho rằng, để luật đi vào cuộc sống cần phải có sự phối hợp chặt trong công tác phổ biến, tuyên truyền giữa các tổ chức đoàn thể, chứ không riêng gì vai trò của hội phụ nữ để giúp họ tự nhận thức rằng dẫu do bất kỳ nguyên nhân, lý do nào thì BLGĐ đều không thể chấp nhận được cả về phương diện đạo lý cũng như phương diện pháp lý. Đồng thời phải tạo được nơi tin cậy vững chắc để nạn nhân bị BLGĐ có thể trông cậy, nương dựa.

Còn bà Lê Thị Thanh Vân – Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) cho rằng: Cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật Trẻ em năm 2016… nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về BLGĐ. Chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống BLGĐ. Bên cạnh đó bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành luật, nhất là ở cấp cơ sở. Đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ theo đúng quy định của pháp luật…

Cùng với xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm gắn với đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ở khu dân cư làm cho mọi người, mọi nhà hiểu rõ vấn nạn BLGĐ và các quy định của luật pháp, thì có lẽ hơn ai hết, bản thân mỗi thành viên phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống. Chung tay vun đắp tình thương và trách nhiệm để xây dựng “nếp nhà” vững chắc mới không có BLGĐ.

Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật 2007. Luật tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi BLGĐ; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự.

THÙY LINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xây dựng khu dân cư phòng, chống bạo lực gia đình
Ngoài việc triển khai hiệu quả các chương trình công tác trọng tâm, hỗ trợ giúp phụ nữ và hội viên phát triển kinh tế gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Gia An (Tánh Linh) còn tích cực phối hợp tham gia xây dựng khu dân cư văn minh, đảm bảo an toàn.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động phòng ngừa bạo lực gia đình