Theo dõi trên

Chủ động tiêm vắc xin ngừa dại cho động vật mùa nắng nóng

01/03/2023, 05:54

Số người tiêm vắc xin phòng dại từ đầu năm 2023 đến nay tăng so với cùng kỳ do bị vật nuôi chó, mèo cào cắn hoặc liếm vào vết thương hở trong nhiều tình huống khác nhau. Điều này cho thấy người dân chủ động hơn trong việc phòng bệnh dại.

Tăng 4,27% số người tiêm vắc xin

Ông Nguyễn Văn M. (Phan Thiết) cho biết: “Tôi đang đạp xe đi bán vé số ngoài đường thì có 1 con chó chạy theo sủa, cào vào chân chảy máu. Cũng sợ bị nhiễm dại, tôi đã đi tiêm ngừa được 2 mũi”. Tương tự bà Trần Thị X. đưa cháu nhỏ 8 tuổi đi tiêm ngừa dại. Bà X. chia sẻ: Cháu của tôi bị chó ở nhà cắn. Trong khi nó đang ăn, đứa cháu nghịch, nắm đuôi nó kéo, nên nó quay lại cắn. Vết cắn không sâu, chảy máu. Tránh nguy cơ bị bệnh dại, tôi đưa cháu tiêm ngừa vắc xin dại ngay.

t9i2.jpg

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bình Thuận có 1.007 trường hợp bị chó, mèo cắn (788 trường hợp chó cắn, 212 trường hợp mèo cắn, 7 trường hợp động vật khác cắn) đến tiêm phòng dại. Trong đó, có 3 trường hợp dùng huyết thanh kháng dại. Số trường hợp tiêm dại này tăng 4,27% so cùng kỳ năm 2022 với 964 trường hợp tiêm. Các điểm tiêm có số người đến tiêm phòng dại cao là Phòng Tiêm chủng Bình Thuận 285 người, Đức Linh 170 người, Tuy Phong 121 người, chiếm tỷ lệ 57,2% trong tổng số 1.007 trường hợp tiêm trên toàn tỉnh. Thông qua số liệu cho thấy các trường hợp tiêm vắc xin phòng dại là do bị vật nuôi chó, mèo cào cắn hoặc liếm vào vết thương hở trong nhiều tình huống khác nhau. Hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh dại, người dân chủ động tiêm vắc xin kịp thời.

Theo Cục Y tế dự phòng, từ năm 2004 đến nay, bệnh dại có chiều hướng tăng lên, tập trung tại một số tỉnh như Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Tây, Gia Lai, Bến Tre, Bình Thuận. Riêng năm 2022, Bình Thuận ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đặc điểm chung là sau khi bị cắn, bệnh nhân không tiêm vắc xin phòng dại, không tiêm huyết thanh kháng dại.

Chó là ổ chứa vi rút dại

Theo Cục Y tế dự phòng, ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo 3 - 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...) chưa phát hiện được. Nguồn truyền bệnh dại là động vật có vú hoang dã và động vật sống gần người, nhiều nhất là chó, sau đó là mèo. Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể. Từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh, lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt.

Một số người cho rằng động vật (chó mèo) đã tiêm phòng dại sẽ không lây bệnh dại hoặc tự điều trị bằng phương pháp dân gian truyền miệng. Điều này dẫn đến việc còn chậm đi tiêm ngừa, hoặc không tiêm thì nguy cơ tử vong do bệnh dại.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, động vật và người đều tử vong. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị, chỉ có vắc xin phòng bệnh dại. Khuyến cáo người dân xử lý vết thương, khám và điều trị dự phòng; tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm… Đặc biệt mùa nắng nóng, người dân chủ động đưa vật nuôi tiêm phòng bệnh dại theo định kỳ mà cơ quan thú y khuyến nghị; không thả rông chó, khi dắt chó ra ngoài phải rọ miệng và có dây dắt; không để trẻ con tiếp xúc quá gần với chó, mèo…

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Triển khai chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030
BTO - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng.
Nổi bật
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (1/5/1904 – 1/5/2024): Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại thôn An Thổ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Dù đồng chí hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Đảng và Nhân dân ta luôn nhớ tới đồng chí, nhớ tới những đóng góp to lớn của đồng chí với sự nghiệp cách mạng, nhớ tới người Cộng sản bất khuất, kiên trung, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của Đảng và Nhân dân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ động tiêm vắc xin ngừa dại cho động vật mùa nắng nóng