Theo dõi trên

Có phải là văn hóa kinh doanh?

15/02/2019, 09:28

BT- Lâu nay, khi thị trường cạnh tranh đang dần tạo ra sự tiến bộ và văn minh trong văn hóa kinh doanh, thì đâu đó, vẫn có kiểu không hài lòng nhau, bắt đầu có những hành vi đi ngược với luật pháp, bất chấp tình người, dễ đưa nhau đến tòa án.

Mạng xã hội đang là trào lưu kinh doanh mạnh mẽ, không chỉ dành cho giới trẻ, mà hiện nay một số công nhân viên chức, người lao động xem đó như là “kênh” kiếm thêm thu nhập. Nếu vừa lòng nhau, chẳng hề gì, nhưng chỉ cần mua 1 ký cá, mực về ăn không hợp vị, khách cho mình cái quyền chửi bới, lăng mạ nhau trên facebook, thậm chí kêu gọi bạn bè tẩy chay. Mới đây, chuyện chị H chuyên bán loại hải sản được nhiều người ưa chuộng. Chẳng hề gì, nếu như đồng nghiệp chị H vô tình đọc trên tạp chí nói về tác hại khi sử dụng quá nhiều loại hải sản đó. Bài viết hay, nên người này chia sẻ trên facebook, thế là bao nhiêu lời chị  em trước đó trong cùng đơn vị, bỗng chốc thành mây khói. Thay vào đó là những lời lẽ miệt thị, vì cho rằng người kia đang cố tình thọc gậy vào công cuộc làm ăn của chị H. Trước sự tức giận quá đà của chủ nhân, người đồng nghiệp phải xin lỗi vì vô tình. Nhưng xét cho cùng, facebook cá nhân là nhật ký của cá nhân người đó lập, họ có quyền yêu thích, chia sẻ, hoặc bộc bạch tâm tư mình trên đó miễn sao không đụng chạm cụ thể tới ai. Chuyện chưa dừng lại, khi bao quá trình làm việc chung đều vì “sự cố” ấy, được buông trên mạng xã hội. Bạn bè trên mạng, thì a dua dù chẳng hiểu rõ ngọn nguồn, đổ dầu vào lửa… Bao nhiêu năm quen biết, chung đơn vị giờ kẻ sợ, người chẳng nhìn nhau.

Chuyện buôn bán trên mạng, đôi khi còn nguy hiểm hơn cả chuyện buôn bán ngoài chợ. Hôm nay mua phải hàng không được ngon, khách hàng có thể nói một cách chân tình với người bán, để rút kinh nghiệm. Vì thế, nó lý giải được rằng mua bán ngoài chợ nhiều khi dễ thở hơn buôn bán qua mạng. Có một thời gian, mạng xã hội cũng dậy sóng vì X. – một nhân viên của một trung tâm nọ, vì muốn kiếm thêm thu nhập cũng bán đủ thứ mặt hàng qua mạng xã hội. Một lần, vì đôi co qua lại với khách hàng, mà từ chuyện đời tư của X. trong khoảnh khắc đã phơi bày trên mạng xã hội như là cách “rửa hận” vì bán hàng không như ý, nhưng lại không khéo léo nhận lỗi. Sự việc một thời gian trở thành câu chuyện để tán gẫu lúc trà dư tửu hậu. Mua bán qua mạng lâu nay hình thành theo trào lưu, và dần phát triển mạnh hơn như là cách kinh doanh dễ dàng dựa trên niềm tin và uy tín của người bán. Một ngày, mở mạng xã hội không biết thể đếm xiết bao nhiêu buổi phát trực tiếp của các cá nhân giới thiệu sản phẩm. Mua đó, chửi nhau đó, dèm pha nhau cũng chẳng thiếu. Khách hàng – người tiêu dùng dễ bị lôi kéo vào vòng lẩn quẩn vì không biết đâu thật giả.

Văn hóa trong kinh doanh, đôi khi không chỉ dựa trên tính pháp lý của hợp đồng kinh tế, hay những quy tắc nhất định được cam kết. Văn hóa kinh doanh còn thể hiện qua hành vi ứng xử của các chủ doanh nghiệp khi xảy ra sự cố.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Nhớ về tháng 4 lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Có phải là văn hóa kinh doanh?