Theo dõi trên

Công chức tư pháp ở cơ sở: Chưa cân xứng giữa các địa phương

02/04/2024, 05:14

Biên chế công chức Tư pháp - Hộ tịch ở nơi tập trung đông dân cư ngang bằng nơi ít dân cư. Điều này chưa cân xứng giữa các địa phương, ảnh hưởng chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, nhất là nơi đông dân cư.

20220217_154522.jpg
Nơi đông dân cư thường có nhiều công dân đến làm hộ tịch hơn.

Rất nhiều đầu việc bao gồm trích lục hồ sơ lưu trữ, xác minh tình trạng hôn nhân, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, kết hôn và tổ chức hòa giải ở cơ sở… chưa kể những việc không tên khác, được địa phương giao cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã, phường, thị trấn. Mặc dù có những việc người dân phải tự thực hiện trên nền tảng số. Nhưng nhiều người không có hoặc không thành thạo sử dụng điện thoại thông minh nên không thực hiện được. Ða số họ đến bộ phận “một cửa” đều phải nhờ công chức Tư pháp - Hộ tịch làm hộ. Với khối lượng công việc như vậy, nhưng hiện biên chế thực hiện công việc này ở nhiều nơi còn thiếu.

Theo Sở Tư pháp, tổng số biên chế công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã hiện được giao 238 công chức/248 biên chế, thiếu 10 biên chế. Số thiếu này ở 6/10 huyện, trong đó có Tuy Phong, với 21/22 biên chế, thiếu 1 công chức tại thị trấn Phan Rí Cửa; Phan Thiết 35/36 biên chế, thiếu 1 công chức tại phường Thanh Hải. Tuy vậy, nếu bổ sung đủ thì mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có 2 – 3 công chức theo quy định bao gồm cả những nơi có dân số đông như thị trấn Phan Rí Cửa, phường Mũi Né và một số nơi khác.

img_5068.jpg
Xử lý hồ sơ liên quan Tư pháp - Hộ tịch luôn trong tình trạng quá tải, nhất là nơi đông dân cư.

Điều này đã được đề cập trong Hội nghị Tổng kết ngành Tư pháp năm 2023. Ông Nguyễn Trung Trực - Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong trăn trở: Thị trấn Phan Rí Cửa có hơn 60.000 dân, nhưng chỉ 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch ngang bằng xã Phan Dũng của huyện có số dân cư ít. Tương tự, ở phường Mũi Né, TP. Phan Thiết với hơn 30.000 dân cũng chỉ có 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch. Ông Nguyễn Nam Long – Phó Chủ tịch UBND thành phố đồng quan điểm với ông Trực, mong tỉnh cũng như Sở Tư pháp quan tâm, căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, yêu cầu thực tiễn và đặc thù của từng xã… bố trí biên chế cho phù hợp với địa phương.

Việc bố trí người chưa cân xứng này ảnh hưởng đến chất lượng triển khai công tác Tư pháp ở nơi đông dân cư. Do khối lượng công việc lớn, trong khi người thì không có, khó bao quát được hết nhiệm vụ Tư pháp, lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, tiếp cận pháp luật, báo cáo, thống kê và tham mưu cho UBND cấp phường, xã thực hiện các nhiệm vụ khác về công tác tư pháp tại địa phương theo quy định.

Chia sẻ khó khăn với các địa phương, bà Phạm Thị Minh Hiếu - Giám đốc Sở Tư pháp thông tin, Sở đã kiến nghị với Bộ Tư pháp về vấn đề này. Cùng với đó bà đã đề nghị Sở Nội vụ quan tâm thêm có ý kiến, kiến nghị với Bộ Nội vụ.

Ngoài ra, Giám đốc Sở mong muốn UBND các huyện, thị quan tâm công tác Tư pháp - Hộ tịch, bố trí đủ người theo khung UBND tỉnh phân giao cho các Phòng Tư pháp. Cụ thể, xem xét trong tổng thể biên chế chung của tỉnh giao, ưu tiên bố trí cho Phòng Tư pháp. Hiện nay, theo Thông tư 02/2023/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành Tư pháp thì vị trí việc làm của các Phòng Tư pháp phải ít nhất 5 – 6 người. UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các địa phương xây dựng vị trí việc làm của Phòng Tư pháp, các địa phương quan tâm.

Trong điều kiện biên chế không tăng, nhiệm vụ ngày càng nhiều, ngành Tư pháp đang không biết làm gì hơn ngoài việc trông chờ vào UBND các huyện, thị có giải pháp bố trí đủ nhân lực thực hiện công tác Tư pháp - Hộ tịch theo quy định của Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV và các văn bản có liên quan. Bên cạnh đó đề nghị tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các Phòng Tư pháp trên địa bàn, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức Tư pháp trên địa bàn tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Công chức tư pháp - hộ tịch: Quá tải công việc
BT- Lực lượng mỏng, khối lượng công việc nhiều, nhất là hiện nay người dân tập trung làm thẻ căn cước công dân (CCCD), cải chính lại giấy tờ có liên quan cho hợp lệ nên công chức tư pháp - hộ tịch ở cơ sở đang quá tải công việc.
Nổi bật
Nhớ về tháng 4 lịch sử
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt với nhiều hy sinh, mất mát nhưng vẻ vang, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, được kết thúc bằng chiến thắng lịch sử vào ngày 30/4/1975.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công chức tư pháp ở cơ sở: Chưa cân xứng giữa các địa phương