Theo dõi trên

Cộng hưởng lợi thế từ kết nối giao thông

02/12/2023, 07:51

BTO-Việc đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, liên hoàn kết nối hợp lý có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là một quyết sách lớn, thể hiện sự nhạy bén, nắm bắt cơ hội của tỉnh trong phát triển hệ thống giao thông kết nối, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới.

Qua 30 năm tái lập tỉnh, mặc dù ở những thời điểm, giai đoạn gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự đồng thuận trong nhân dân, ngành giao thông vận tải của tỉnh đã tháo “điểm nghẽn” và “mở đường”, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Vĩnh Hảo - Phan Thiết cùng lúc đưa vào khai thác đã tháo gỡ điểm nghẽn lâu nay về giao thông đối ngoại cho tỉnh Bình Thuận. Một tin vui nữa đối với nhân dân tỉnh nhà đó là tuyến đường Mê Pu - Đa Kai sẽ rút ngắn thời gian lưu thông từ huyện Đức Linh, Tánh Linh kết nối Quốc lộ 20 đi Đồng Nai, Lâm Đồng. Tuyến đường Mê Pu - Đa Kai (huyện Đức Linh) nhiều năm nay bị xuống cấp khiến người dân đi lại vô cùng khó khăn. Sau khi hoàn thành việc nâng cấp mở rộng, tuyến Mê Pu - Đa Kai sẽ kết nối với các tuyến ĐT 717 (huyện Tánh Linh), ĐT 766 (huyện Đức Linh) ra Quốc lộ 20 qua huyện Tân Phú (Đồng Nai) có chiều dài khoảng 14,5 km với tổng mức đầu tư hơn 149 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh, thời gian thi công dự kiến 2 năm. Trước đó, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 28B qua Bình Thuận, Lâm Đồng. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2026. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 68 km, trong đó qua tỉnh Bình Thuận khoảng 51 km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 17 km. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao.

duong-ql-28b-anh-n.-lan-2-.jpg
Quốc lộ 28B được nâng cấp sẽ thêm cơ hội cho Bình Thuận và Lâm Đồng phát triển kinh tế. Ảnh: Tư liệu.

Việc liên kết giao thông của Bình Thuận với các tỉnh trong khu vực đóng vai trò quan trọng, quyết định sự hình thành, phát triển và nâng cao hiệu quả của liên kết vùng. Hạ tầng giao thông đặt cơ sở, định hướng và thúc đẩy liên kết vùng, hình thành những thị trường của vùng và kết nối hiệu quả với thị trường các tỉnh lân cận, đồng thời hình thành những dịch vụ, ngành hàng hiệu quả của vùng. Liên kết giao thông vùng còn là điều kiện khuyến khích các tiềm năng kinh tế tham gia vào chuỗi sản xuất có giá trị, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế của vùng. Nhìn ra các tỉnh bạn cho thấy, Quảng Nam từ một tỉnh thuần nông nhiều khó khăn, nay đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của miền Trung và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Diện mạo của tỉnh đã có bước thay đổi lớn, kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc. Bởi lẽ, Quảng Nam đã có sự gắn kết với các tỉnh trong Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, đã xây dựng các tuyến giao thông liên tỉnh, các tuyến du lịch, phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch toàn Vùng. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Bình Định đang nổi lên là một trung tâm về đào tạo nhân lực và phát triển khu công nghệ cao, tạo ra nguồn cung ứng nhân lực và công nghệ cho các ngành sản xuất ở Quảng Nam. Còn tỉnh Bình Dương sau khi kết nối các tuyến giao thông trọng điểm, đến nay Bình Dương là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá cao, đặc biệt là công nghiệp và dịch vụ. Đầu tư xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, kết nối chính là một điểm cộng trong mắt nhà đầu tư. Bình Dương đã thu hút được hơn 4,1 ngàn dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 40 tỷ USD. Đầu tư trong nước có khoảng 62 ngàn doanh nghiệp, tổng vốn đầu tư gần 700 ngàn tỷ đồng. Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp, 8 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng quỹ đất khoảng 12 ngàn ha, có nhiều khu công nghiệp được mở rộng hoặc quy hoạch mới với diện tích khá lớn. Cùng với đó, Bình Dương đã và đang đầu tư nhiều công trình giao thông trọng điểm, đối nội cũng như đối ngoại, liên kết vùng. Từ những kết quả mang lại trong phát triển kết nối giao thông, tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai, thúc đẩy tiến độ những công trình trọng điểm kết nối vùng như: Vành đai 3, đường cao tốc TP. HCM - Chơn Thành (Bình Phước), Tam Lập - Đồng Phú (Bình Phước)… Đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng 20 dự án giao thông liên kết vùng trọng điểm phía Nam góp phần gia tăng liên kết vùng và giao thương kinh tế thuận lợi hơn.

Phải khẳng định rằng, địa phương nào kết nối giao thông tốt, lợi thế sẽ được cộng hưởng, điều này góp phần thúc đẩy liên kết vùng, tạo hành lang, không gian phát triển mới. Với tiềm năng lớn về nguồn lực đất đai, hạ tầng giao thông liên kết vùng từng bước hoàn thiện, Bình Thuận hứa hẹn là miền đất vàng thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, góp phần tạo diện mạo mới trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Bức xúc ô nhiễm từ trang trại nuôi heo Làng Việt Nam
Đó là một trong những vấn đề bức xúc được chia sẻ tại buổi giao ban dư luận xã hội tháng 11/2023, vừa được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức.
Nổi bật
Cử tri thị trấn Tân Nghĩa và xã Tân Phúc kiến nghị giải quyết thủ tục pháp lý về đất đai
BTO-Trong ngày 4/5, ông Nguyễn Hữu Thông - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Thuận đã lần lượt tiếp xúc cử tri thị trấn Tân Nghĩa và xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân. Cùng tham dự còn có đại diện lãnh đạo một số sở ngành, đơn vị liên quan của tỉnh, lãnh đạo huyện Hàm Tân và địa bàn cơ sở nơi ĐBQH tiến hành tiếp xúc cử tri.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cộng hưởng lợi thế từ kết nối giao thông