Theo dõi trên

Cua đá hòn Tranh

06/09/2013, 10:05

BT- …Có diện tích lớn thứ hai trong nhóm 10 đảo, hòn Tranh của huyện đảo Phú Quý, cách đảo chính khoảng 15 phút đi xuồng máy về hướng Đông Nam. Hòn Tranh hình chữ S, nơi rộng nhất 400m, dài khoảng 1.000m. Phía Nam hòn Tranh là các vũng Gần, vũng Bàn, vũng Phật… 

Gọi là cua đá vì chúng sống quanh mép, bờ đá, các vũng nước. Cua đá ăn lá cây và các loại thức ăn xanh mà chúng tìm thấy. Ban ngày cua trốn trong hang, đêm xuống  bò men theo các hòn đá,  leo lên cây ăn lá.  Cua đá cũng như động vật hoang dã trên rừng, khi bị ánh sáng chiếu vào mắt thì bất động. Vì vậy,  để bắt cua đá chỉ cần chiếc đèn pin đủ sáng và đôi bao tay đủ dày để không bị đau khi cua kẹp, cùng đôi mắt tin tường để nhận ra  màu tím than của cua  khi cua bám  khe đá, hoặc trên  cành cây vào ban đêm.  Trong thiên nhiên, cua đá sinh sản từ tháng 6 đến tháng 9. Khi đó, cua tìm những bãi đá hoang sơ,  nước biển ra vào để phóng trứng. Thịt cua đá màu trắng, rất thơm ngọt và dai. Khi hấp hoặc luộc, vỏ cua vàng tươi, bóng sáng, bắt mắt. Chính vì vậy, gần đây, ngư dân huyện đảo Phú Quý thường sang hòn Tranh tìm bắt cua đá, bán cho nhà hàng, hoặc nuôi tại gia.

Hiện nay nghề nuôi cua đá đang phát triển ở Phú Quý, mà người nuôi đầu tiên và giàu kinh nghiệm là ông Nguyễn Ngọc Phi, ngụ tại thôn Triều Dương, xã Tam Thanh. Trên  diện tích  300m2 đất, ông Phi dùng tôn thiếc bao quanh, nuôi hàng trăm con cua đá, và khi cua có trọng lượng trên 300gr thì bán với giá 7.000 đồng/con. Tháng này, đang là mùa mưa, cua đá hòn Tranh có điều kiện  phát triển. Nếu cua đá, cùng nhiều sản vật biển ở hòn Tranh được khai thác đúng mức, có tính tới yếu tố bảo tồn, Phú Quý lại có thêm những điều hấp dẫn để chào mời du khách.

Nguyễn Thị Ngân Sa 



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cua đá hòn Tranh