Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về tình hình học sinh trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán năm 2022: đến ngày 16/2 tổng số học sinh học trực tiếp trên cả nước là 21.001.019, đạt tỷ lệ 93,71%. Chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh, các chuyên gia... đánh giá là đúng lúc, kịp thời và đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp, một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh nhiễm Covid-19 tăng mạnh dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến. Số ít địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học đến trường.
Một số địa phương còn quan điểm khác nhau về thời điểm, cách thức, quy mô cho trẻ em, học sinh đi học trực tiếp. Có nơi triển khai đồng loạt, có nơi thận trọng triển khai từng bước và có thí điểm thăm dò. Một số cơ sở giáo dục lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0…
Tại Bình Thuận, từ ngày 7/2/2022, học sinh từ lớp 7 - 12 đi học trực tiếp, đến ngày 14/2 học sinh mầm non, tiểu học và lớp 6 đi học trực tiếp. Theo Sở GD-ĐT, tình hình giáo viên và học sinh nhiễm Covid-19 có xuất hiện ở tất cả các cấp học. Các cơ sở giáo dục đã xử lý đúng quy định. Sở GD-ĐT cũng đã thành lập 2 đoàn kiểm tra tình hình tổ chức học trực tiếp, tình hình phòng chống dịch cũng như kiểm tra kế hoạch và các phương án xử lý khi có ca nhiễm xảy ra trong các cơ sở giáo dục. Hầu hết các cơ sở đều chuẩn bị khá tốt, thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Hiện khó khăn chung là kinh phí mua kít test nhanh của hầu hết các đơn vị đều thiếu.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đi học của trẻ em rất quan trọng, không chỉ khi có dịch bệnh. Do vậy, các giải pháp đưa học sinh trở lại trường phải mang tính dài hơi, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan, khôi phục lại các hoạt động kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”. Việc đưa học sinh trở lại trường phải có sự chỉ đạo thống nhất trên cả nước nhưng không áp dụng máy móc, cứng nhắc giữa các địa phương có cấp độ dịch khác nhau, giữa đô thị và nông thôn… tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Các phương án phòng, chống dịch trong nhà trường phải chi tiết, liên tục cập nhật, tập huấn, hướng dẫn, truyền thông xuyên suốt. Phó Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiểm soát tốc độ lây nhiễm trong trường học; có phương án xử lý khi có F0, F1 hợp lý…