Theo dõi trên

Danh mục dự án sử dụng đất năm 2023: Sử dụng hơn 1.500 ha đất để thực hiện 50 dự án

24/11/2022, 05:22

Sở Tài nguyên & Môi trường đã báo cáo kết quả tổng hợp danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cùng danh mục dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thực hiện năm 2023 cấp huyện, theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng cơ bản đồng ý theo đề xuất của sở này.

Tập trung các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng năm tới

Qua đó, theo đề xuất của Sở Tài nguyên & Môi trường, các huyện, thị, thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Văn Đăng đã thống nhất để cấp huyện thực hiện 17 dự án đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất năm tới. Trong đó có 12 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích 23 ha, 5 dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ với diện tích 16 ha, không có dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh. Các dự án trên đều sử dụng vốn ngân sách triển khai. Huyện Bắc Bình dẫn đầu với 7 dự án, gồm 6 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa gần 12 ha, 1 dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ gần 11 ha.

img_2743.jpg
 Dự án đường ĐT 719B địa bàn Hàm Thuận Nam cần được giải phóng mặt bằng thực hiện năm tới.

Cùng với đó, danh mục các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thực hiện năm 2023, qua rà soát nhu cầu đăng ký của cấp huyện, Sở Tài nguyên & Môi trường đã tổng hợp đề xuất UBND tỉnh cho triển khai 50 dự án với diện tích hơn 1.519 ha thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện năm tới. Trong đó huyện Hàm Thuận Nam dẫn đầu tổng số diện tích đất thu hồi 756 ha thực hiện 9 dự án xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông... Tương tự, huyện Hàm Tân thu hồi hơn 463 ha thực hiện 3 dự án; huyện Tánh Linh hơn 165 ha (6 dự án), huyện Bắc Bình gần 84 ha (12 dự án), thành phố Phan Thiết hơn 37 ha (10 dự án)… Trong 50 dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nêu trên có 47 dự án được sử dụng vốn ngân sách nhà nước, 3 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước (chủ đầu tư xây dựng công trình năng lượng) để thực hiện. Ngoài ra, trong quá trình xem xét các dự án cấp huyện đăng ký, Sở Tài nguyên & Môi trường cũng xem xét đưa vào đăng ký bổ sung dự án trên địa bàn các huyện của một số cơ quan chủ quản. Cụ thể như ở huyện Tánh Linh, bổ sung dự án Hệ thống kênh tiếp nước liên huyện phía Nam tỉnh, với diện tích thu hồi gần 145 ha do Ban Quản lý dự án các công trình Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Thuận làm chủ đầu tư. Cùng với đó, cầu qua kênh tiếp nước Biển Lạc - Hàm Tân sử dụng 1,2 ha đất tại xã Gia Huynh…

Hủy dự án chậm triển khai sau 3 năm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất đề xuất của Sở Tài nguyên & Môi trường cho phép cấp huyện chuyển tiếp 36 dự án (thuộc danh mục chuyển mục đích sử dụng đất sau 3 năm chưa thực hiện) để tiếp tục triển khai các thủ tục về đất đai. Bởi các dự án này Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện đã kiểm kê hiện trạng, thông báo thu hồi đất, đã bố trí được kinh phí thực hiện trong năm tới. Tương tự, đối với danh mục các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất sau 3 năm chưa thực hiện, cho phép chuyển tiếp thực hiện đối với 99 dự án. Tuy nhiên, UBND tỉnh thống nhất hủy bỏ 18 dự án với diện tích gần 200 ha do UBND cấp huyện đăng ký nhưng sau 3 năm chưa “động tĩnh”, cấp huyện chưa thực hiện thủ tục triển khai dự án và bố trí nguồn vốn. Các dự án đăng ký trên thuộc danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất, trường hợp Nhà nước thu hồi đất…

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên & Môi trường nhìn nhận, những dự án không có khả năng thực hiện trong 3 năm qua, nguyên nhân chủ yếu các huyện chưa có vốn đầu tư, bố trí vốn chậm kéo dài dự án; dự báo của các ngành chưa sát với thực tiễn (đăng ký nhiều công trình để tranh thủ hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, tỉnh); phối hợp để cân đối nguồn tài chính giữa các ngành, các cấp còn chậm. Ngoài ra, cấp huyện kêu gọi thu hút xã hội hóa đầu tư các công trình đăng ký chưa hiệu quả, UBND cấp huyện cũng chưa chủ động đề xuất đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách… Các yếu tố trên đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, dự án kéo dài không khả thi.

Được biết trước đó, Sở Tài nguyên & Môi trường thông tin, rà soát danh mục dự án đã được HĐND tỉnh thông qua sau 3 năm chưa thực hiện, có 45 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích hơn 108 ha, nhưng chỉ thực hiện 16 dự án (chiếm 35,56%). Riêng 18 dự án khác chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, diện tích hơn 27 ha (theo Nghị quyết 18/HĐND tỉnh, ngày 22/7/2020), mới chỉ triển khai 5 dự án (chiếm 27,78%). Tương tự, danh mục các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất 3 năm trước, có 126 dự án với diện tích thu hồi hơn 1.371 ha (Nghị quyết 97/HĐND ngày 19/12/2019), nhưng chỉ thực hiện 40 dự án (chiếm 31,75%). Trong khi Nghị quyết 18/HĐND ngày 22/7/2020 có 34 dự án với diện tích thu hồi hơn 270 ha, chỉ thực hiện 9 dự án (chiếm 26,47%).

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tuy Phong: Được mùa ốc nhảy
Hơn 1 tháng nay, ngư dân vùng bãi ngang ven biển huyện Tuy Phong khai thác được loại ốc nhảy với sản lượng lớn. Nhiều người dân cho biết đây là lần đầu tiên vùng biển gần bờ lại xuất hiện dày loại ốc có cái tên khá mỹ miều - ốc khiêu vũ, dù mùa khai thác ốc nhảy đã qua.
Nổi bật
Mang quà tết ra quần đảo Trường Sa
BTO-Chiều 26/12, tại thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa), các tàu đi thăm, động viên, chúc tết quân - dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa bắt đầu vươn khơi. Những tàu ấy không chỉ có hàng hóa, nhu yếu phẩm mà còn mang theo tình cảm, sự quan tâm, nghĩa tình của nhân dân cả nước hướng về quần đảo Trường Sa – vùng biển đảo thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Danh mục dự án sử dụng đất năm 2023: Sử dụng hơn 1.500 ha đất để thực hiện 50 dự án