Với chủ trương hướng đến nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động, ứng dụng công nghệ hiện đại trở thành một trong những nội dung trọng tâm của nền hành chính, song để đẩy mạnh cải cách hành chính, thì công nghệ mới chỉ là công cụ, con người mới là yếu tố quyết định.
Trong những năm qua, với sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, trang thiết bị hiện đại đã được trang bị cho các cơ quan nhà nước để phục vụ cho hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với nguồn ngân sách khổng lồ, hiện nay cơ bản đã đáp ứng cho yêu cầu công việc. Tuy nhiên, để công cuộc cải cách hành chính (CCHC) thành công, công nghệ là chưa đủ vì đó là công cụ, con người mới là yếu tố quyết định của công cuộc CCHC. Bởi thực tế cho thấy, trang thiết bị, dù có hiện đại đến mấy vẫn là sản phẩm do con người tạo ra và để phục vụ cho yêu cầu của con người. Do vậy việc sử dụng công nghệ một cách phù hợp, hiệu quả mới là vấn đề cần quan tâm. Máy móc hiện đại mà con người vẫn cũ kỹ thì không có tác dụng gì. Song để có đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ hiện đại, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh cần quan tâm hơn đến việc mở các lớp liên quan đến nội dung này. Đảm bảo nội dung thiết thực, sinh động, phù hợp thực tiễn. Giúp cán bộ, công chức có thể “thực hành” tốt hơn. Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của cơ quan, tổ chức, bản thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần biết nắm bắt cơ hội, “tự lực” trong nâng cao trình độ, sử dụng triệt để các thành tựu công nghệ vào công việc hàng ngày để tăng hiệu quả công việc. Tránh lãng phí cơ hội vàng để hoàn thiện, nâng tầm bản thân.
Để đáp ứng yêu cầu của thời đại, yêu cầu của công cuộc cải cách hành chính, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thiết phải xác định rõ mục tiêu, động cơ của bản thân để tự tạo động lực, nâng cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Có câu “biết người, biết ta trăm trận trăm thắng”, cán bộ, công chức, viên chức cũng cần phân tích bản thân để biết điểm mạnh, điểm yếu của mình. Phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu để ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Ngoài phân tích bản thân, việc hiểu và biết rõ tính chất công việc cũng là vấn đề quan trọng, hoạt động công vụ là hoạt động của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ được giao, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được sử dụng quyền lực nhà nước để phục vụ lợi ích của nhân dân, của quốc gia. Do vậy, trong mọi hành động người cán bộ, công chức phải đặt yêu cầu phục vụ lên hàng đầu, thực hiện tốt bài học “gần dân, trọng dân”, “lấy dân làm gốc”, có như vậy mới được dân tin, dân yêu, đạt mục tiêu của nền hành chính phục vụ.
Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ là cần thiết, nhưng con người mới là nhân tố quyết định thành công của công cuộc cải cách hành chính. Công nghệ chỉ là công cụ, linh hồn của công cuộc cải cách hành chính phải là con người, là đội ngũ cán bộ, công chức có tâm, có tầm; vừa hồng, vừa chuyên; “hết lòng, hết sức phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân” như lời Bác Hồ đã dạy.