Theo dõi trên

Đọc “Nhành lan trên tường rêu”

15/07/2022, 08:32

“Nhành lan trên tường rêu” là tên của tập truyện ngắn của tác giả Nguyên Tài, tập truyện nhận được giải C giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh tỉnh Bình Thuận lần thứ IV.

Tập truyện gồm 15 truyện ngắn, viết về nhiều đề tài khác nhau: Lịch sử, văn hóa, kháng chiến, thiếu nhi, tình yêu, tình bạn, cùng những đề tài khác. Tập truyện có dung lượng vừa phải, gói gọn trong 130 trang sách, Nhà Xuất bản Văn hóa Sài Gòn xuất bản trước đây.

sach.jpg

Tôi đọc được tập truyện hơi muộn, so với thời điểm tập sách được ra mắt. Song, với cảm nhận của một độc giả, tập sách đã để lại trong tôi những rung cảm khó quên về những câu chuyện mà tác giả kể với bạn đọc.

“Gót hài vương nữ” là một trong những câu chuyện dễ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Truyện kể về vua Lý Chiêu Hoàng, con gái vua Lý Huệ Tông. Vua Lý Huệ Tông không có con trai, lại bị bệnh thần kinh. Dưới sự sắp đặt của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, công chúa Chiêu Thánh mới 7 tuổi đã được vua cha truyền ngôi, trở thành Nữ Vương Lý Chiêu Hoàng. Rồi Nữ Vương khi 8 tuổi đã nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Từ Nữ Vương, Chiêu Hoàng trở thành hoàng hậu. Do 10 năm không sinh hoàng nam, hoàng hậu Chiêu Thánh bị giáng xuống làm công chúa. Rồi lại là công chúa được ban cho tướng tài Lê Phụ Trần, trở thành phu nhân của Lê Phụ Trần. Đọc “Gót hài vương nữ”, để thấy người phụ nữ, ngay cả người thuộc tầng lớp trên nhất của xã hội phong kiến, sao vẫn gặp những chuyện lận đận, cay đắng trong cuộc đời! Tác giả, một cán bộ nghiên cứu lịch sử, đã khéo chọn đề tài, nhân vật, tạo những tình huống gây ám ảnh cho người đọc ở truyện ngắn này.

“Nhành lan trên tường rêu” là tên của truyện ngắn viết về việc trùng tu ngôi chùa cổ, chùa đã quá xuống cấp theo thời gian. Tâm nguyện của vị sư già trụ trì Minh Đăng cổ tự về việc trùng tu chùa là tâm nguyện rất chính đáng. Song từ tâm nguyện đến việc thực hiện trùng tu chùa trên thực tế lại là hai chuyện khác nhau. Việc trùng tu dưới bàn tay của những người thợ thiếu tài, không thành ý, thành tâm, đã biến ngôi cổ tự thành một ngôi chùa mới, bệ cổng thô kệch, phù điêu lỗ chỗ, những nét sơn phết vô tội vạ hai bên nóc chánh điện. Để khi hoàn thành trùng tu chùa, vị sư trụ trì lặng thinh, rồi u buồn, viên tịch. Ngôi cổ tự từ bao năm trước, đã có dung mạo khác, giờ chỉ còn lại duy nhất bức tường xưa lưu lại nhành lan khô giữa những không gian lạ lẫm.

Thêm một câu chuyện về việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. “Chuyện làng Bình An” tiếp tục gợi cho người đọc về ý thức bảo tồn những di tích văn hóa – lịch sử của địa phương. Làng Bình An có từ lâu đời. Đình làng Bình An thờ vị tổ khai phá đầu tiên trên mảnh đất ấy. Để làm đường, người ta đã cho phá đình, chặt cây đa lâu năm, vì cho rằng đình làng nhỏ, chưa có tên trong danh sách đình làng văn hóa hay di tích lịch sử cần được bảo vệ. Trong khi đó, người giữ đình còn giữ bọc giấy, gói mảnh vải ố vàng ghi bằng chữ Nho mà người trong làng chưa ai đọc được, là kỷ vật còn sót lại của đình làng Bình An. Thêm một lời nhắc nhở: Người nay, chưa hiểu hết những giá trị cha ông để lại, vội xóa bỏ những gì cha ông ngày trước đã dựng nên, truyền nhiều thế hệ.

Truyện ngắn “Bên núi”, kể lại câu chuyện sau ngày đất nước thống nhất, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến được tiếp tục, song vẫn chưa hoàn tất. Người mẹ âm thầm một mình ở lại nơi ngôi nhà cũ, từng là nơi ẩn nấp của những cán bộ cách mạng trong kháng chiến, cùng mọi người đi tìm hài cốt chồng, con, nhưng vẫn chưa tìm được.

Tác giả Nguyên Tài đã hướng tình thương của mình đến những người yếu thế trong xã hội: Trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, sống trong trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi (ở truyện ngắn: Phố bình yên ban mai). Anh cũng dành tình cảm của mình hướng đến những người côi cút: Rệu, trẻ mồ côi cha, phải làm lao động kiếm sống, cực nhọc. Nhưng rồi về sau, lại được sự giúp đỡ của chủ, là người bạn làm ăn với ba Rệu ngày trước, giúp tiền để Rệu đủ học đại học. Rệu nhận ra: Dung mạo bên ngoài bặm trợn không nói lên tâm tính bên trong (Lòng người).

“Khúc mơ hoa ngọt ngào” là truyện ngắn được lấy cảm hứng từ cuộc đời sinh viên, có tươi đẹp, lại cũng có gì đó chua chát khi kể về người bạn học. Cô nữ sinh viên dùng đề tài nghiên cứu khoa học viết chung với bạn, để phát triển thành luận văn riêng của mình. Rồi cô được giữ lại khoa làm trợ giảng. Chàng sinh viên về quê làm việc, chia tay một cuộc tình.

Đọc những truyện ngắn trong tập “Nhành lan trên tường rêu” với những truyện ngắn không quá dài, người đọc vẫn dễ nhận ra: Lòng nhân ái của tác giả trước những cảnh đời, phận người: Cảm thương cho cuộc đời của Nữ Vương Lý Chiêu Hoàng, tác giả đã viết: “Thương cho thân phận một gót hài vương nữ, đến ngàn năm sau thế gian vẫn nhìn vào bằng ánh mắt mang nặng tội với tổ tiên…”; Lòng trắc ẩn của tác giả trước những em bé mồ côi; Lòng thương những người mẹ già, ngày trước giúp cách mạng, nuôi những anh em du kích ở trong hầm trú ẩn sau nhà, đất nước thống nhất, ở một mình, mong cùng anh em đồng đội cũ tìm được hài cốt chồng, con. Tác giả tiếc nuối khi có di tích bị đập phá để xây công trình mới, tiếc nuối khi nghề truyền thống của cha ông bị thất truyền…

Giọng điệu trần thuật ở đa số những câu chuyện: Tự nhiên, chân chất, đậm chất trữ tình (Gót hài vương nữ, Nhành lan trên tường rêu, Thung lũng hoa vàng…). Có truyện, giọng điệu hóm hỉnh (Nụ tầm xuân có màu…), có lúc chua chát (Khúc mơ hoa ngọt ngào). Có truyện, tác giả sử dụng nghệ thuật đồng hiện: Truyện được kể đan xen giữa hiện tại với quá khứ (Bên núi).

Đã có những đoạn văn thơ mộng, diễn tả những cảm giác rất khác nhau của khách thập phương khi vãn cảnh chùa ở “Nhành lan trên tường rêu”: “Cặp chuông đồng vang vọng hồi dài báo hiệu giờ nhật tụng chiều. Nắng nhạt vất vưởng trên vòm cổng đá chạm khắc lá đề. Hai gốc bồ đề to sừng sững đứng gác bên lối bậc thang lên sân chùa ríu rít tiếng chim. Chiều, núi tỏa hơi lạnh vào không gian chìm ngập tiếng chuông đong đưa hương trầm bay lên”.

Độc giả có thể tìm đọc được những đoạn văn với đầy những sắc màu tươi tắn, diễn tả vẻ đẹp rực rỡ của một thung lũng dã quỳ, dưới góc nhìn của người đang còn trẻ, với tâm hồn văn nhân trong “Thung lũng hoa vàng”: “Thung lũng nằm giữa hai ngọn đồi quanh năm xanh cỏ, vi vút ngàn thông già. Con đường mòn nhỏ bẽn lẽn dưới vẻ đẹp núi rừng. Buổi sáng tầng lá trên cao đan sợi nắng dệt tranh hoa. Chiều xuống, đồi thông đắm mình trong sương mờ, thung lũng khoác áo bàng bạc trắng say đắm vào giấc mơ huyền ảo. Mùa quỳ nở, mọi ngóc ngách đều vàng rực lóa mắt, ánh lên nét kiêu sa sơn cước dậy thì”.

Tác giả Nguyên Tài cũng đã đưa người đọc tìm lại hình ảnh của một chiến khu xưa, một vùng đất toàn cát, cát đủ màu, bao quanh những bụi cây, mái nhà, rẫy bắp, rẫy mì. Trong đó có cả bụi lù đù còn lại, trong truyện ngắn “Chiến khu”: “Một loại cây mọc nhiều trong chiến khu trải qua vui buồn cùng người.

Nó mang tên gọi mộc mạc – cây lù đù. Cây lù đù mọc từng bụi lúp xúp, nhiều bụi liên tiếp ken dày bên nhau thành rừng. Từng chùm rễ lặng lẽ, khó nhọc trườn xuống lòng cát sâu thăm thẳm để chắt chiu giọt nước nuôi sống lá cành. Rừng lù đù cùng người đứng dậy hiên ngang giữa vùng cát nắng”.

Tác giả Nguyên Tài (Nguyễn Thành Tài) hoàn thành tập truyện khi độ tuổi anh còn rất trẻ. Song, những câu chuyện anh tâm tình với bạn đọc vẫn rất có ý nghĩa đối với cuộc sống hôm nay. Nguyên Tài đã dẫn dắt người đọc đi theo những buồn vui, trăn trở, suy nghĩ cùng anh, với lối kể chuyện có duyên, nhiều chỗ hóm hỉnh, bằng vốn ngôn từ đa dạng, linh hoạt. Là người chuyên nghiên cứu lịch sử, song anh cũng có duyên với văn chương khi nhận được giải C Văn nghệ Dục Thanh lần thứ IV ngay ở lần ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên của mình. Bạn đọc vẫn đang tiếp tục đọc được những truyện ngắn hấp dẫn mới của anh trên Tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà, sau những gì anh đã gởi đến bạn đọc qua “Nhành lan trên tường rêu”.

MINH TRÍ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hồ Tá Bang với cuộc vận động duy tân tại Bình Thuận đầu thế kỷ XX. Bài 1
Bài 1: Mở Trường Dục Thanh, hô hào học chữ Quốc ngữ
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đọc “Nhành lan trên tường rêu”