Theo dõi trên

Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao

12/11/2024, 05:36

Nhiều năm trở lại đây, diện mạo khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh có nhiều chuyển biến rõ rệt, kinh tế - xã hội phát triển, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn, đời sống của người dân ngày càng nâng cao.

Khởi sắc đời sống của người dân

Khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh hiện có 355 hộ/1.520 khẩu. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng và chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm lãnh đạo nhân dân các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung và đồng bào Chăm nói riêng tập trung phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa... Qua đó, đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội ở khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh có nhiều khởi sắc rõ nét. Hiện nay, người Chăm có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 307,8ha, trong đó diện tích trồng cây lúa nước là 207,8 ha, cây lâu năm là 72ha.

de12aef25e3de663bf2c.jpg
Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày một phát triển.

Trong những năm qua, cộng đồng người Chăm ở Lạc Tánh đã thể hiện tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế. Bà con không ngừng học hỏi, đổi mới phương thức canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp phát triển các loại cây trồng thế mạnh địa phương. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, mua sắm máy móc để phục vụ sản xuất, chủ động được nguồn nước tưới nên đa số người Chăm đã chuyển đổi nhiều diện tích lúa 1 vụ thành lúa 2 - 3 vụ. Hiệu quả trong sản xuất ngày càng tăng, năng suất năm sau cao hơn năm trước. Các mô hình trang trại về cây công nghiệp, chăn nuôi từng bước được hình thành và phát triển. Ở vùng đồng bào Chăm, hiện có trên 100 con trâu, 250 con dê... Hoạt động kinh doanh - thương mại từng bước hình thành đáp ứng tốt hơn nhu cầu tại chỗ trong khu phố Chăm. Được sự quan tâm của hệ thống chính trị các cấp, đã có nhiều nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc trong vùng người Chăm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Tại khu phố Chăm, có 3 tổ liên doanh vay vốn Ngân hàng Chính sách huyện, với 173 hộ tham gia, tổng số tiền vay hơn 7,85 tỷ đồng. Có 3 tổ vay vốn cho học sinh, sinh viên nghèo học tập, với số tiền 770 triệu đồng. Các nguồn vốn nói trên đã giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, giảm nghèo, làm giàu chính đáng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho con em... Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhiều hộ dân Chăm tại huyện Tánh Linh đã được hỗ trợ chuyển đổi nghề và xây dựng nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

img_20230416_104317.jpg
Các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của người Chăm ở Tánh Linh được bảo tồn và phát triển.

Thực hiện Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, Nhà nước đã đầu tư đưa nước sạch về phục vụ trong khu phố Chăm, hiện có trên 80% hộ sử dụng. Trong năm 2012, tỉnh đầu tư gần 7 tỷ đồng để bê tông nhựa 1,2 km đường giao thông nông thôn, quy hoạch xây dựng Nghĩa trang mới với vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng. Cùng với sự phát triển đời sống vật chất, đời sống tinh thần của đồng bào Chăm cũng có nhiều tiến bộ. Nhà cửa được xây dựng kiên cố, bà con mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền để phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình.

Bảo tồn văn hóa, phát triển dân trí

Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập nâng cao dân trí, người Chăm đã động viên, khuyến khích con em trong độ tuổi đến trường, đến lớp. Trong những năm qua, số lượng con em người Chăm trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ 95% hàng năm. Ngoài việc đạt chuẩn về phổ cập tiểu học cơ sở, số lượng người Chăm tốt nghiệp đại học ngày càng nhiều. Hiện nay, người Chăm có 2 người là bác sĩ và 1 y sĩ đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện, 1 giáo viên đang dạy học tại Trường trung học phổ thông Tánh Linh, 1 người đang công tác tại Công an huyện. Các em còn lại khi ra trường đều có việc làm ổn định.

Phong trào văn hóa - văn nghệ trong đồng bào Chăm thời gian qua đã phát triển mạnh. Tại khu phố Chăm đã hình thành 1 đội nghệ nhân thổi kèn Saranai và đánh trống Paranưng, 1 đội múa Chăm, 1 đội bóng đá... Vào các dịp lễ, tết của người Chăm hay các ngày lễ lớn của huyện, tỉnh, đội văn nghệ, đội bóng đá của đồng bào Chăm đều tham gia tích cực. Ở khu phố Chăm có 1 trường mẫu giáo, 1 trường tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh đồng bào Chăm. Đặc biệt, bản sắc văn hóa của dân tộc luôn được bảo tồn và phát huy, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Chăm trong các lễ hội tín ngưỡng dân gian… tạo không khí vui tươi, lành mạnh, đoàn kết các dân tộc anh em tại địa bàn dân cư. Các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, nạn tảo hôn, thách cưới, ma chay được xóa bỏ. Nhà văn hóa được xây dựng khang trang, đây là nơi bà con đồng bào Chăm tổ chức sinh hoạt, văn nghệ, thể dục, thể thao...

Nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng sự phấn đấu vươn lên, tình hình kinh tế - xã hội của người Chăm trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến sâu sắc, đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao rõ rệt; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng tương đối cơ bản như điện, đường, trường, nhà văn hóa... Một bộ phận người Chăm đã phát huy tốt tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong học tập, lao động, sáng tạo... nhiều hộ đã vươn lên thành hộ khá, giàu và mua sắm được các phương tiện hiện đại phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Người Chăm trên địa bàn huyện Tánh Linh đã phối hợp với các đoàn thể tổ chức tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm. Qua đó, ý thức trách nhiệm và tinh thần đoàn kết trong nhân dân ngày càng được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy, qua việc vận động quỹ “Vì người nghèo”, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được thôn thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì đời sống của một số hộ ở khu phố Chăm vẫn còn khó khăn, tình hình vệ sinh môi trường trong khu phố chưa cao, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn khá cao so với mặt bằng chung của huyện. Tuy nhiên, với truyền thống cần cù, chịu khó của người Chăm cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, đời sống của người dân khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh sẽ ngày một phát triển, góp phần cùng với địa phương hoàn thành những chương trình, mục tiêu đã đề ra.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Gốm Bình Đức và câu chuyện duy trì làng nghề
Nghề gốm của người Chăm là di sản quý báu đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ ở vùng châu Á. Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp không chỉ tôn vinh giá trị một nghề truyền thống mà còn khẳng định giá trị văn hóa của cộng đồng và đặt ra yêu cầu nỗ lực chung tay bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật độc đáo riêng có trước xu thế hội nhập.
Nổi bật
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dự Ngày hội Đại đoàn kết ở xã Tân Tiến
BTO-Chiều ngày 16/11, đồng chí Đặng Hồng Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Tham dự ngày hội còn có đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội chữ thập đỏ tỉnh, đại diện UBND thị xã La Gi và đông đảo bà con nhân dân thôn Tam Tân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đời sống của đồng bào Chăm ở Tánh Linh ngày càng nâng cao