Tranh thủ nắng tốt, bà Đào Thị Cúc ở xã Phan Sơn đem lúa mẹ đi phơi khô. Những hạt lúa chắc, đẹp nhất cũng đã được lựa chọn làm giống cho vụ sau. Đây là lúc gia đình bà cũng như nhiều nhà trong làng rộn ràng tiếng cười nói, con cháu quây quần về bên nồi cơm gạo mới, ché rượu cần thơm nồng…
Bà Đào Thị Cúc - bên ché rượu cần và lúa rẫy mới thu hoạch xong
Thu hoạch lúa mẹ ở xã Phan Lâm
Năm nay, Tết Đầu lúa diễn ra trong hai ngày 5 - 6/1/2023 (nhằm ngày 14 - 15 tháng chạp âm lịch). Đây là ngày tết quan trọng, lâu đời và gắn liền với tập tục trồng lúa rẫy của đồng bào Raglay, K’ho các xã Phan Lâm, Phan Sơn, Phan Điền, Phan Tiến (Bắc Bình). Tết Đầu lúa hay còn gọi là Tết Nhôbrêhê, Lễ ăn lúa mới… Với người Raglay, K’ho, lúa được xem là thứ quý nhất, thiêng liêng nhất. Mỗi năm khi có những cơn mưa đầu mùa, bà con lại mang lúa giống được chọn cất từ vụ mùa trước lên các triền đồi để gieo trồng. Lúa trồng tự nhiên “phó mặc cho trời đất” sau 6 tháng mới thu hoạch. Lúa rẫy được thu hoạch chủ yếu bằng cách tuốt tay bỏ vào gùi địu về làng rồi phơi khô cất vào bồ. Hiện nay lúa rẫy không còn trồng nhiều, chủ yếu ở 2 xã Phan Lâm, Phan Sơn ngoài trồng giống lúa mới cho năng suất cao bà con nơi đây hầu như nhà nào cũng đều dành ra diện tích 1 - 2 sào trồng lúa rẫy như là cách đồng bào gìn giữ nét văn hóa truyền thống và bảo tồn giống lúa, duy trì giống cho các vụ sau. Tết Đầu lúa thường bắt đầu với các nghi thức cúng dâng, cúng lúa mới của các già làng, trưởng bản thực hiện trước. Các gia đình, dòng họ đều tổ chức cúng lúa mới và quây quần sau mùa vụ. Đây là cách thể hiện sự biết ơn và niềm tin của bà con đối với cây lúa mẹ trên rẫy, cầu mong cho cây lúa không bị quấy nhiễu, không bị sâu rầy, đơm bông trổ hạt, đem lại ấm no cho mọi người.
Lúa mẹ trồng trên rẫy ở Phan Lâm, Phan Sơn
Giã gạo nấu cơm làm lễ cúng Tết Đầu lúa
Tại xã Phan Điền, ông Mai Duy Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Phan Điền cho biết: “Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm nay không khí đón Tết Đầu lúa có phần rộn ràng hơn. Từ giữa tháng 12, đồng bào K’ho, Raglay ở xã bắt đầu ăn tết trong gia đình, dòng họ. Tuy vậy, không khí đón Tết Đầu lúa có phần kém vui vì sản xuất của bà con khó khăn do giá nông sản bấp bênh, trong khi vật tư đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập...”.
Hàng năm để tổ chức cho đồng bào K’ho, Raglay đón tết vui tươi, huyện Bắc Bình tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao 4 xã vùng cao. Năm nay, ngày hội được tổ chức tại xã Phan Điền. Ông Mai Duy Quốc cho biết thêm: “Những ngày này các nghệ nhân, vận động viên tập luyện chuẩn bị cho ngày hội. Ngày hội Văn hóa - Thể thao 4 xã vùng cao sẽ diễn ra với nhiều hoạt động văn nghệ biểu diễn trang phục dân tộc, đêm hội rượu cần. Song song đó nhiều trò chơi dân gian, thể thao tổ chức: dựng trại, trang trí cây nêu, bắn nỏ, bóng đá mini nam, giã gạo, nấu cơm trong ống lồ ô, gùi nước. Qua đó tạo không khí ngày hội thật sự “vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn, tiết kiệm” nhân dịp Tết Đầu lúa của bà con”.
Để thuận lợi cho công tác tổ chức đón Tết Đầu lúa và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, Mặt trận, các đoàn thể và các địa phương chủ động tổ chức cho đồng bào đón tết vui vẻ, tiết kiệm, an toàn. Đồng thời tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, động viên đồng bào, nhất là các hộ nghèo, các gia đình chính sách trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tết Đầu lúa năm 2023, cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức, người lao động, công nhân, sinh viên, học sinh là người dân tộc Raglay, K'ho ở các xã: Phan Tiến, Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền được nghỉ 3 ngày, từ ngày 4 - 6/1/2023.