Năm học 2023 – 2024 bắt đầu cũng là chuỗi ngày chị Nguyễn Thu Hải (phường Phú Trinh, TP. Phan Thiết) tất bật hơn. Ban ngày vật lộn với công việc ở cơ quan, tối lại ngồi vào bàn học cùng hai con, đứa lớp 6, đứa năm nay bước vào lớp 1. “Chương trình giáo dục đã thay đổi rất nhiều khi so sánh giữa thời kỳ của cha mẹ và con hiện tại, nên nhiều nội dung mẹ quên phải nhờ google, kiểm tra lại một lần trước đó. Còn thằng bé lớp 1 dù đã biết đọc, nhưng vẫn còn ham chơi nên viết chữ chưa cẩn thận. Vì thế, mỗi buổi tối tôi phải cùng con ngồi vào bàn học, cùng đọc sách”, chị Hải nói.
Vất vả, tất bật, nhiều khi chị phải cố gắng lắm để kiềm chế cơn nóng giận, khi đang hướng dẫn theo cách hiểu của mình thì con nói lại “trên lớp cô dạy thế này, không phải thế này”. Đã không ít lần những người bạn giới thiệu một số giáo viên uy tín để chị gửi con, nhưng sau thời gian đồng hành cùng con, chị Hải nhận ra rằng, chính nhờ khoảng thời gian ấy chị mới được nghe con tâm sự chuyện về bạn bè, cô giáo, về suy nghĩ của con trước những vấn đề trong cuộc sống... Từ đó mà chị nắm bắt được tâm lý của con tốt hơn, định hướng để con có những hành vi, cách ứng xử và kỹ năng trong cuộc sống. Ngược lại con cũng đang giúp chị học cách nhẫn nại, điều chỉnh cảm xúc và tình yêu.
Còn chị Mai Lan (phường Phú Tài, TP. Phan Thiết) có một đứa con gái duy nhất đang học lớp 11. Chị chia sẻ: Từ gần gũi, thông cảm và luôn đồng hành cùng con trong mọi hoạt động nên quá trình nuôi, dạy con của vợ chồng chị trở nên nhẹ nhàng.
Không thể phủ nhận, tất cả ông bố, bà mẹ đều đặt niềm tin và kỳ vọng vào những đứa con. Vì thế mỗi cha mẹ sẽ đưa ra một cách giáo dục và có lý lẽ riêng. Nhưng theo một số giáo viên Trường THCS Nguyễn Du: Chương trình giáo dục phổ thông mới đặt trọng tâm ở việc hình thành phẩm chất, năng lực sáng tạo, tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức với thực tiễn, đề cao vai trò của người học theo sự tích cực, chủ động. Do vậy, bên cạnh sự thay đổi của học sinh, giáo viên trong cách dạy và học thì phụ huynh cũng nên đổi mới để hỗ trợ con em mình tốt hơn. Đơn giản như nên quan tâm, kiểm tra xem ngày mai con học những môn gì, bài vở đã hoàn thành hay chưa, hay nắm bắt tâm lý, chia sẻ các kỹ năng sống cho con.
Bàn về vấn đề này, cô Trần Thị Ngọc Anh – giảng viên tâm lý Trường Cao đẳng Bình Thuận đưa ra lời khuyên: "Những lời khen hay khích lệ là điều không bao giờ thừa để kích thích các con của mình tốt hơn. Ngay cả khi con có làm sai hay con có thái độ chống đối, cha mẹ hãy cố gắng từ từ chia sẻ và cho con những ví dụ cụ thể để con có thể hiểu được. Hãy cho con cơ hội được nói những ý kiến, suy nghĩ, khám phá những gì xung quanh để phát triển cả tư duy và nhận thức một cách tốt nhất".
Cùng con học tập chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, nếu có phương án thực hiện đúng đắn và sự sắp xếp khoa học thì những hiệu quả nhận được có thể mang lại sự bất ngờ cho cha mẹ. Và con sẽ tự rèn luyện được những đức tính tốt ngay từ khi còn nhỏ tuổi như chủ động, tự giác, tự lập.