Theo dõi trên

Đưa công nghiệp và thương mại phát triển hội nhập

06/04/2022, 05:38

Trước đây - từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước đến khi tái lập tỉnh Bình Thuận (năm 1992), công nghiệp và thương mại ở địa phương hầu như không có gì nổi trội. Từng bước vượt khó và cùng với xu hướng phát triển chung của nền kinh tế, lĩnh vực này tại địa phương có bước chuyển biến khởi sắc đáng ghi nhận…

Vượt khó vươn lên

Hơn 30 năm trước nhắc tới Bình Thuận là mọi người dường như chỉ nhớ đến nước mắm Phan Thiết cùng những giai thoại liên quan đến mùi hương. Bởi thời điểm tái lập tỉnh, lĩnh vực công nghiệp và thương mại trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Thêm nữa, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu là ngành nghề truyền thống: Đóng sửa tàu thuyền, sản xuất nước mắm, nước đá, cưa xẻ gỗ… Còn hoạt động kinh doanh thương mại chỉ tập trung ở các chợ truyền thống, quán xá kém nhộn nhịp, vì Bình Thuận chưa phải là địa phương phát triển du lịch.

Những năm sau đó, hoạt động công nghiệp và thương mại của tỉnh từng bước tận dụng tiềm năng để khai thác, phát triển đa dạng ngành nghề cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt vào năm 2005, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết số 28 về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010, định hướng đến năm 2015. Đây được xem là nghị quyết chuyên đề mang ý nghĩa quan trọng về phát triển công nghiệp ở địa phương với quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành và thống nhất cao trong nhận thức, hành động.

Xuất khẩu trực tiếp đến 56 quốc gia, vùng lãnh thổ
Đến nay hàng hóa Bình Thuận tham gia xuất khẩu trực tiếp đến 56 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đã tham gia hầu hết thị trường các nước là thành viên của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đồng thời kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của địa phương cũng tăng trưởng qua các năm, tính riêng giai đoạn 2011 - 2020 đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm. Nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Bình Thuận gồm thủy - hải sản, nông sản (thanh long, cao su, nhân điều) và hàng hóa khác (sản phẩm may mặc, giày dép các loại…).

Cùng với đó, một số ngành nghề và lĩnh vực mới cũng được tạo điều kiện phát triển và nhanh chóng khẳng định chỗ đứng trên thị trường như: Hải sản chế biến, nước khoáng Vĩnh Hảo, muối công nghiệp... Đồng thời địa phương còn tích cực mời gọi thu hút nhà đầu tư tham gia sản xuất những sản phẩm công nghiệp mới: Nhựa composite, tole mạ màu, giày dép, may mặc, đồ gỗ trang trí nội thất, giấy dính cao cấp, khoáng sản titan, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời)…

Ở lĩnh vực thương mại, Bình Thuận nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức của việc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, thị trường hàng hóa cũng đa dạng thông suốt giữa Bình Thuận với các vùng miền của cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn tăng trưởng qua từng năm. Trong khi đó mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi tiếp tục được đầu tư không những ở thành thị mà còn phát triển tại địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo nên đảm bảo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân.

Hệ thống siêu thị trên địa bàn Bình Thuận phục vụ tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Phát triển hội nhập

Khi dịch Covid - 19 được kiểm soát và bước vào giai đoạn bình thường mới, chị Hoa (quê Tuyên Quang) có chuyến du lịch phía Nam, rồi sẵn dịp ghé thăm người quen tại Phan Thiết. Lần đầu đến thành phố du lịch biển, chị tranh thủ trải nghiệm nhịp sống nơi đây và dí dỏm: Đêm ra phố “cứ 5 bước thấy một quán cà phê, 10 bước có một quán nhậu”. Mà quán nào cũng đông!... Còn nữa, việc mua sắm tiêu dùng và đặc sản các vùng miền tại Phan Thiết để về làm quà cho bạn bè rất thuận tiện. Hầu như tất cả hàng Việt chất lượng cao, kể cả một số sản phẩm thương hiệu Hàn Quốc không dễ tìm mua ở nơi khác cũng có sẵn trên kệ, chỉ việc tha hồ lựa chọn và “quẹt thẻ”.

Tìm hiểu được biết, ngoài hơn 130 chợ truyền thống được nâng cấp hoặc đầu tư xây mới thì Bình Thuận hiện đã hình thành hệ thống chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ hiện đại rộng khắp với nhiều hình thức đa dạng. Bao gồm: 1 trung tâm thương mại (Lotte Mart), 3 siêu thị (Co.opmart), 75 chuỗi cửa hàng tiện lợi (57 chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh, 15 chuỗi cửa hàng Vinmart+, 3 chuỗi cửa hàng Coopfood) và hệ thống các cửa hàng bán lẻ, siêu thị điện máy… Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại được quan tâm hơn, hàng năm đều triển khai các chương trình kích cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo gắn với hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị.

Phát triển cùng xu hướng hội nhập kinh tế, hiện toàn tỉnh quy hoạch 9 khu công nghiệp (tổng diện tích hơn 3.000 ha) và 36 cụm công nghiệp (tổng diện tích 1.182,8 ha). Đến nay có 5 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 28 cụm công nghiệp được thành lập, qua đó thu hút nhiều dự án đầu tư nên đã tham gia giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động địa phương… Theo Sở Công Thương thì trong 10 năm gần đây, công nghiệp Bình Thuận luôn tăng trưởng ở mức cao hơn bình quân của cả nước. Và sau 30 năm kể từ khi tái lập tỉnh, hiện nay tại Bình Thuận ghi nhận có gần 740 cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó có 25 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, 24 doanh nghiệp kinh doanh chế biến xuất khẩu nông sản, chủ yếu tập trung chế biến các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục chú trọng đưa công nghiệp, thương mại phát triển hội nhập gắn với hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp duy trì hoạt động ổn định và đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lẫn ngoài nước. Hướng tới đem lại hiệu quả trong thu hút đầu tư dự án, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm cũng như tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường, tiêu thụ hàng hóa nhằm thúc đẩy ngành Công Thương Bình Thuận vươn lên trong giai đoạn mới…

Sản xuất công nghiệp phát triển cũng góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương (Ảnh minh họa).

Phát triển công nghiệp trở thành trụ cột kinh tế
Cuối năm ngoái, Tỉnh ủy Bình Thuận tiếp tục ban hành Nghị quyết số 09 (ngày 31/12/2021) về phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó đặt mục tiêu chung: Phát triển công nghiệp trở thành trụ cột kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng các sản phẩm công nghiệp cũng như giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng và những ngành sử dụng nhiều lao động.

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch Bình Thuận thành ngành kinh tế mũi nhọn
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong đã ký ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đưa công nghiệp và thương mại phát triển hội nhập