Theo dõi trên

Đường đất cát hóa bê tông

19/03/2024, 08:49

Tôi có bác họ gốc thôn Cam Bình chính hiệu trước đây (lúc ấy Cam Bình thuộc xã Tân Thiện, huyện Hàm Tân cũ) đã sang Mỹ định cư hơn 30 năm nay, trong những chuyến về quê thăm người thân ở đây, đợt Tết Giáp Thìn 2024 vừa rồi, bác không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay vùng đất cát ngày trước. Những con đường bê tông xi măng lớn, nhỏ gần như bao phủ khắp thôn ven biển này, càng làm tô điểm thêm cho những ngôi nhà kiên cố xen lẫn vài căn mái Thái của người dân vùng quê nông thôn mới.

Hiến đất làm đường

Người bác họ bảo tôi rằng: “Bác thích nhất là những con đường bê tông xi măng đi lại thuận tiện quá, thay cho đường đất cát ngày xưa. Sau này hồi hương, bác tính về đây mua đất xây nhà mà ở”. Câu nói của người bác họ khiến tôi phải về lại vùng đất cát này tìm hiểu thêm về những tuyến đường bê tông xi măng lớn, nhỏ đang lan tỏa khắp nơi. Đầu tháng 3 vừa rồi, anh Nguyễn Tấn Ba, cán bộ Ban địa chính, phụ trách Nông thôn mới xã Tân Phước dẫn tôi đi thực tế thôn Cam Bình. Quả thực, vùng đất này không lạ gì với tôi lắm, bởi ngày trước tôi là dân xã Sơn Mỹ giáp ranh phía trên, dịp Tết Nguyên đán nhiều năm về trước xuống thăm bà con ở đây không khỏi ngán ngẩm lội bộ các con đường đất cát, đôi chân nặng trĩu. Vậy mà bây giờ tất cả đã khác, những con đường bê tông xi măng đan xen khắp nơi, chia các dãy nhà dân nơi này như những ô bàn cờ, thuận tiện đi lại bằng xe máy, nhiều tuyến đường rộng ô tô vào tận nơi.

img_0224.jpg
 Đường Ngô Tất Tố qua thôn Cam Bình được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024

Hôm ấy chúng tôi rẽ từ đường Ngô Tất Tố được thị xã La Gi nâng cấp, mở rộng đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đường dài gần 2 km thảm bê tông nhựa rộng rãi từ ngoài quốc lộ 55 nối đường Nguyễn Du ra đường Lê Minh Công phía biển. Tuyến đường mới như “dòng sông lớn” cho hàng chục tuyến giao thông nông thôn ở đây “chảy vào” ra Khu du lịch cộng đồng Cam Bình, tạo điều kiện bà con mở mang dịch vụ, du lịch. Anh Nguyễn Tấn Ba cho hay: “Đường Ngô Tất Tố được thị xã đầu tư vốn sự nghiệp phát triển nông thôn mới, hơn 10 hộ dân trên tuyến tự nguyện hiến đất mở rộng nền đường, bởi họ được sinh lợi, giá trị đất đai tăng lên nhiều lần. Còn ở thôn Cam Bình, hàng chục tuyến giao thông nông thôn được nâng cấp bê tông xi măng nhiều năm nay đều được đông đảo người dân tự nguyện hiến đất làm đường”. Bởi thực trạng đường làng ngõ xóm ở thôn Cam Bình cũng như các thôn khác trước đây là đất cát, nền đường chỉ rộng 2- 4 m, chật chội lắm; làm đường bê tông xi măng hầu hết người dân trên tuyến đều hiến đất. Đường mở rộng lên 4 – 8 m (tùy khu vực đường đi qua), mỗi nhà có đất tự nguyện dịch sâu vào 1 - 2 m, dài 10 – 30 m; không ít nhà hiến 10 - 50 m2. Giá đất cao như vài năm về trước, có hộ hiến đất trị giá trên dưới trăm triệu đồng, nhưng bù lại đường bê tông xi măng rộng rãi, xe ô tô vào tận nơi, giá đất theo đó cũng tăng lên, người dân còn được lợi nhiều thứ về sau lắm. Một người dân ở ven đường bê tông xi măng Cam Bình nói: “Tôi hiến 50 m2 đất, trị giá kha khá; đổi lại có con đường bê tông rộng rãi đi qua nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế gia đình”.

Thôn Cam Bình hưởng ứng làm đường bê tông xi măng từ năm 2016 đến nay đã hoàn thành gần 30 tuyến lớn nhỏ, mỗi năm đăng ký 3 - 4 tuyến. Hiện 90% đường giao thông nông thôn lớn nhỏ đã được bê tông xi măng. Năm 2024 này người dân trong thôn đăng ký thêm 4 tuyến nữa. Hầu hết người dân trong số hơn 300 hộ của thôn có đường đi qua trước nay đều tự nguyện hiến đất làm đường bê tông xi măng; ước tính tổng giá trị lên tới vài tỷ đồng khi vùng đất cát ven biển đang ngày càng có giá. Đây không phải là con số nhỏ. Chuyện hiến đất nông nghiệp làm đường, mở rộng giao thông là việc làm tốt của người dân, đáng trân trọng. Ở đây là sự vận động tích cực của hệ thống chính trị cơ sở xã Tân Phước từ Đảng bộ, chi bộ, chính quyền xã, thôn, sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân; vì cái lợi chung của nhiều người, vì cộng đồng xã hội, họ không tính thiệt hơn.

img_0226.jpg
 Đường bê tông xi măng ở xã Tân Phước hoàn thành đầu năm nay.

Không chỉ Cam Bình, ở 5 thôn khác như Thanh Linh, Mũi Đá, Phước Linh, Hồ Tôm, Phước Thọ, phong trào làm đường bê tông xi măng rất sôi nổi, hiệu quả thiết thực, góp phần cho xã Tân Phước đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới, đang thực hiện bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Ông Phan Trọng Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước, thị xã La Gi, cho biết: “Tân Phước có 6 tuyến đường trục xã, liên xã như Lê Minh Công, Nguyễn Du, Trần Quang Diệu, Lê Văn Duyệt, Lý Nam Đế, Đinh Bộ Lĩnh với tổng chiều dài hơn 17 km đã được bê tông nhựa hóa, láng nhựa, đạt tỷ lệ 100%. Cùng với đó, 27 tuyến đường trục thôn, xóm đã được nhựa hóa, bê tông xi măng, láng sỏi đỏ, tổng chiều dài 15.583 m, tỷ lệ cứng hóa 100%. Trong khi đường ngõ, xóm được cứng hóa mặt đường bằng bê tông xi măng 152/161 tuyến, với tổng chiều dài 24.231/26.144 m, tỷ lệ 94%. Ngoài ra, 5 tuyến đường trục chính nội đồng tổng chiều dài 13.380 m cũng được cứng hóa cho người dân thuận tiện vận chuyển nông, hải sản. Tất cả các tuyến đường bê tông xi măng đều được người dân góp phần kinh phí, hiến đất làm đường”.

img_0240.jpg
 Nét đẹp trên các con đường bê tông xi măng phủ khắp thôn Cam Bình, xã Tân Phước.

Hướng đến xã nông thôn mới nâng cao

Đề án phát triển giao thông nông thôn theo mô hình “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” của UBND tỉnh được triển khai rộng rãi khắp các địa phương như tiếp sức thêm phong trào làm giao thông ở xã Tân Phước. Trong câu chuyện làm đường, ông Phan Trọng Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước bảo rằng: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau; tuyến đường nào có nhà đảng viên ở đó, họ tự nguyện hiến đất cũng như kinh phí làm đường trước, bà con thấy vậy đồng tình hưởng ứng. Công tác vận động đảng viên, quần chúng nhân dân đòi hỏi linh hoạt, đa dạng hơn, đảm bảo đủ kinh phí theo tỷ lệ quy định khởi công các tuyến đường bê tông xi măng đúng tiêu chuẩn khu vực Tân Phước (nhân dân góp 35%, Nhà nước hỗ trợ 65%). Các ban điều hành thôn, đoàn thể trong xã đều tham gia công tác vận động đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết người dân đều hưởng ứng vì lợi ích chung”. Theo đó, bà con địa phương cũng tham gia đề xuất theo thứ tự ưu tiên làm con đường nào trước trong thôn mình. Trước tiên những hộ dân ở trên tuyến đóng góp xây đường là chính, bình quân mỗi hộ 5 - 6 triệu đồng; vận động các mạnh thường quân trong, ngoài tỉnh có sang đất ở địa phương hỗ trợ thêm, bù cho hộ nghèo, khó khăn. Hầu hết bà con đều dành dụm khoản tiền từ sản xuất, chăn nuôi đóng góp làm đường. Cùng với đó, một số đoạn tuyến bị cây ăn trái, hàng rào che khuất, bà con cũng tự nguyện chặt bỏ, tháo dỡ để xây đường cho thẳng… Cùng sự đồng lòng như thế, nhân dân xã Tân Phước trong những năm qua đã góp khoản kinh phí không nhỏ hoàn thành hàng chục tuyến đường bê tông xi măng với tổng chiều dài hàng chục km.

Ông Minh chia sẻ thêm: “Với sự đồng lòng làm giao thông nông thôn sôi nổi của đông đảo người dân Tân Phước, đường ngõ, xóm phù hợp quy hoạch sẽ được bê tông xi măng đạt tỷ lệ 100% vào cuối năm nay (hiện đạt 94%); góp phần hoàn chỉnh cho Tân Phước đang thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao”. Hệ thống giao thông thuận tiện đã tạo điều kiện cho 3.487 hộ dân Tân Phước phát triển kinh tế hộ gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng hải sản, mở mang dịch vụ nhà nghỉ, quán ăn tại Khu du lịch cộng đồng Cam Bình... Nhờ vậy, toàn xã đã có 3.422 căn nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, đạt tỷ lệ 96,7% theo tiêu chuẩn Bộ Xây dựng; đạt tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư chuẩn nông thôn mới nâng cao”.

Miền quê Tân Phước vùng đất cát ngày trước đang “khoác chiếc áo mới” từ những tuyến đường bê tông xi măng sạch đẹp, để đi lên cùng thị xã La Gi trong quá trình đô thị hóa.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Đẩy nhanh thực hiện một số nội dung chống khai thác thủy sản bất hợp pháp
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có công văn gửi Chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển về việc đẩy nhanh thực hiện một số nội dung chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, chuẩn bị báo cáo phục vụ Đoàn thanh tra lần thứ 5 của EC.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đường đất cát hóa bê tông