Theo dõi trên

Mùa hạn đỉnh gọi tên Ka Pét

19/03/2024, 05:52

“…Cứ 5 - 6 giờ chiều thì phụ nữ, trẻ em tới đây tắm, còn tối đến thì đàn ông, thanh niên. Đống tro này là họ đốt lên để sưởi ấm, khi tắm đêm lạnh!”. Chúng tôi không ai dám hỏi tới rằng, nếu nước từ hốc trong lòng sông Linh ấy hết thì sao…

Tự thích nghi

Đã 3 giờ chiều mà trời Mỹ Thạnh vẫn còn nắng như đổ lửa. Cây cối hai bên đường khô khốc đẩy cảm giác rằng, chỉ tàn thuốc thôi là sẵn sàng bốc cháy. Ở phía xa, rừng gầy guộc toàn cây là cây, tương tự như một khu rừng đang chết. Nhớ tháng 9 năm ngoái, cũng đứng ở vị trí này nhìn về nơi đó trong tiết trời mưa ẩm ướt, ấn tượng của tôi còn lưu lại là vùng rừng đó đầy sức sống. Thế mà, bây giờ… Nhưng người dân ở đây bảo chỉ cần có mưa xuống là cây đâm chồi nảy lá xanh um cả vùng tức thì khiến những ai như tôi mới thấy, chưa rành về đặc tính của rừng khộp sẽ cảm nhận như có phép lạ. Nhưng thực ra, cây sống trên vùng đất khô cằn vào mùa khô luôn tự thích nghi, bằng cách rụng hết lá để tránh bốc hơi, nhằm bảo toàn chút “sức lực” còn lại chờ trời mưa xuống cho hồi sinh.

nh-n.-lan-.jpg
Người dân Hàm Cần tắm giặt ở các vũng nước đọng dưới lòng sông Linh cạn trơ đáy. Ảnh: N.Lân

Hình ảnh “biết nói” này là bằng chứng hùng hồn nhất, thuyết phục nhất cho số đông muốn xây dựng hồ Ka Pét, trong đó có nhân dân 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh. Thế nên cũng dễ hiểu, khi ban đầu các hộ dân có đất và tài sản trên đất sẽ nằm trong vùng ngập hồ Ka Pét muốn đền bù bằng đất, giờ đã đồng ý nhận tiền. Việc kiểm kê, áp giá, tính toán di dời… đến thời điểm này, huyện Hàm Thuận Nam cũng đã làm xong, gửi báo cáo về chủ đầu tư dự án. Một sự suôn sẻ ban đầu, cứ như người dân muốn mùa khô hạn năm nay và năm 2025 là những mùa khô cuối, sau khoảng 20 năm chờ đợi hồ Ka Pét được xây dựng.

Trong chừng ấy thời gian, cũng như cây rừng, cứ đến mùa khô, người dân 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh lại tìm mọi cách để thích nghi, khi những con sông, con suối ở khu vực này đều bị cạn vào tháng 4, 5 dương lịch. Với năm nay, mới giữa tháng 3 dương lịch, con sông Linh chảy qua địa bàn xã Hàm Cần đã không còn nước, phơi lòng sông đầy sỏi đá. Chúng tôi đi ngược lên thượng nguồn con sông, trong ánh nắng gắt của 2 giờ chiều, phát hiện còn một vũng nước như là cuối cùng. Tại đây, chị Mang Thị Nguyệt ở thôn 1, xã Hàm Cần đang tắm cho con gái 2 tuổi và mang cả chai lấy nước về uống. Tôi ngạc nhiên, vì được biết ở Hàm Cần cũng có hệ thống nước sinh hoạt được nối từ xã Hàm Thạnh qua. Chị Nguyệt bảo: “Hệ thống nước sinh hoạt, nghe nói mấy ngày qua, nước yếu, có lúc không có. Nhà chị chưa bắt nước sạch và từ đời ông bà đến giờ, cứ ra sông Linh múc nước về uống. Quen rồi!”.

nguoi-dan-ham-can-chac-tung-giot-nuoc-sach-duoi-long-song-linh-can-tro-day-anh-n.-lan-.jpg

Người dân lấy nước về uống ở hốc được đào giữa lòng sông Linh.

Hình như không chỉ mỗi nhà chị Nguyệt, vì chỉ vài phút sau, một phụ nữ khác mang thùng chứa nước khoảng 20 lít ra đúng chỗ chị Nguyệt vừa rời đi để lấy nước về uống. Nhìn kỹ thì đó là hốc nước được dân đào giữa dòng sông Linh nên người phụ nữ kia kiên nhẫn ngồi gạn lọc nước đục và canh nước trong chảy ra rồi múc từng ca đổ vào thùng. Bên cạnh là chứng tích đống tro tàn với mấy cây củi to tướng cháy dở, có thể hình dung ban đêm nơi đây chắc nhộn nhịp. Người phụ nữ chỉ hốc nước nói thật mà như đùa: “Đây cũng là nơi mọi người đến tắm gội. Cứ 5 - 6 giờ chiều thì phụ nữ, trẻ em tới đây tắm, còn tối đến thì đàn ông, thanh niên. Đống tro này là họ đốt lên để sưởi ấm, khi tắm đêm lạnh!”. Chúng tôi không ai dám hỏi tới rằng, nếu nước từ hốc trong lòng sông Linh ấy hết thì sao, khi mùa khô còn kéo dài đến tháng 6.

Chỉ thiếu nước

z5263255112531_7c2fb0f95cfc41f95293f2d61752db8c.jpg
z5263251778388_a15d3023574c5a35d336fd3d54486b9d.jpg

Người dân ở Hàm Cần, Mỹ Thạnh được hỗ trợ đào ao chống biến đổi khí hậu.

Cũng trong những ngày cao điểm này, người dân ở 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh được hưởng lợi từ Dự án Tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ với an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu khu vực Tây nguyên và Nam Trung bộ - tỉnh Bình Thuận, bắt đầu được đào ao trong vườn nhà. Tại vùng cao Mỹ Thạnh, đến ngày 18/3 đã có 9/20 ao đăng ký được đào tại đất nhà dân. Còn dưới Hàm Cần có 15/24 ao đăng ký đã được đào. Nghe lãnh đạo của 2 xã kể rằng ao đào đến đâu, dân xung quanh tới xem đến đó mà thương. Bởi chỉ là xem nước được bơm từ giếng khoan ra trữ trong ao thôi. Các chủ ao thì hãnh diện như có một tài sản quý, vì họ đã lựa chọn đào ao chống biến đổi khí hậu, thay vì chọn hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm hoặc hỗ trợ vật tư nông nghiệp từ dự án, vốn rất thường và ít thiết thực hơn trong hoàn cảnh thiếu nước hiện tại. Hơn nữa, tương lai không xa, có ao nước trong vườn nhà, rồi sẽ trồng cây này, cây kia, nuôi thêm gà, vịt… để ổn định cuộc sống trong mùa khô, khi ngoài kia, đồng khô cỏ cháy.

canh-dong-ham-can-mua-kho-anh-n.-lan-.jpg

Cánh đồng và kênh chuyển nước ở Hàm Cần mùa này.

Chúng tôi dạo qua những cánh đồng ở Hàm Cần, vốn được Nhà nước hỗ trợ hạ tầng như đập dâng Sông Linh, kênh dẫn nước nhưng mùa này cũng đều bỏ hoang. Đàn bò gặm những gì còn sót lại của vụ sản xuất trong mùa mưa năm ngoái. Nhiều người theo sau nhặt phân bò, một công việc kiếm được thu nhập phổ biến ở đây. Không ít người biết nghề chăm sóc thanh long đi làm thuê, mỗi ngày được 100.000 - 300.000 đồng, tùy công việc. Dù đất sản xuất ở xã lên gần 4.000 ha với cả 1 “bộ sưu tập” cây trồng nào lúa, bắp, mì, mè, thanh long, điều, xoài, mủ trôm và có cả cao su, thế nhưng đời sống người dân vẫn rơi vào vòng “thu không đủ chi”. Vì chỉ sản xuất 1 vụ từ nước trời nên bị thiên tai, thất bát trong sản xuất luôn cao. Vì không chủ động nước nên không có cơ hội sản xuất vụ khác để gỡ gạc lại những gì đã mất trong vụ mưa. Riêng sản xuất bắp đầu tư ứng trước, Hàm Cần có quỹ đất 1.700 ha nhưng hiện chỉ sản xuất khoảng 800 ha, vì đất không phù hợp để sản xuất bắp. Nếu chủ động nước thì sẽ trồng được cây khác. Rồi còn bị nợ, năm trước chưa trả xong, năm sau lại bị nợ tiếp chỗ sản xuất bắp đầu tư ứng thất thu với tổng số tiền khoảng 1 tỷ đồng. Chỉ hy vọng khi có nước hồ Ka Pét thì đời sống người dân trong xã mới phát triển được. Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Cần Nguyễn Thị Hồng Sáng chia sẻ như trên.

rung-my-thanh-kho-trui-la-anh-n.-lan-.jpg

Rừng vào mùa khô ở xã Mỹ Thạnh.

Chúng tôi đi về thôn Lò To cũng là dọc theo tuyến kênh Sông Linh – Cẩm Hang, tuyến kênh được xem là đón đầu dòng nước từ hồ Ka Pét, nằm trong dự án nối mạng thủy lợi phía Nam của tỉnh. Nhưng đã hơn 20 năm nay, tuyến kênh chỉ dẫn nước trên Sông Linh về Suối Lớn, Suối Lách trước khi đổ vào hồ Cẩm Hang (Hàm Hiệp – Hàm Thuận Bắc) vào mùa mưa. Còn trong mùa khô này thì kênh khô khốc. Cũng không lạ gì, khi ngày 18/3, dung tích hữu ích các hồ trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam là 18,794 triệu m3/45,58 triệu m3, thấp hơn cùng kỳ 6,407 triệu m3. Huyện chỉ đạo sau khi mở nước phục vụ tưới cây thanh long và rau màu xong thì lượng nước còn lại ở các hồ tập trung ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho 2 nhà máy nước Thuận Nam và Ba Bàu, đảm bảo đến ngày 30/6/2024. Sự khắc nghiệt của mùa hạn đỉnh năm nay khiến chính quyền lẫn người dân gọi tên hồ Ka Pét như một sự khẩn cầu sớm hình thành.

Mỹ Thạnh, với dân số chỉ 280 hộ dân nên mùa này ít áp lực hơn trong thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, với hơn 107 ha đất trồng cây hàng năm khác; hơn 547 ha đất trồng cây lâu năm, và nợ dồn từ sản xuất bấp bênh nên câu chuyện cần nước bức xúc không kém. Trong những cuộc trò chuyện đâu đó về phát triển sản xuất, người dân ở đây cũng quay về cái kết sớm có hồ Ka Pét. Sau đó, nghe nói sẽ xúc tiến xây dựng giao thông nối qua Đông Giang (Hàm Thuận Bắc), La Ngâu (Tánh Linh), sẽ giúp người dân Mỹ Thạnh có một cuộc đời mới.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hơn 3.000 đoàn viên thanh niên tham gia Ngày Chủ nhật xanh
BTO-Ngày 17/3, tại Bắc Bình, Tỉnh đoàn - Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức Lễ ra quân Ngày cao điểm Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới và Ngày Chủ nhật xanh trong Tháng Thanh niên năm 2024.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa hạn đỉnh gọi tên Ka Pét