Theo dõi trên

Dứt khoát tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” trong các khuyến nghị của EC

29/05/2024, 05:06

Ủy ban châu Âu (EC) đã quyết định dời lịch sang Việt Nam thanh tra đợt 5 về công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) vào tháng 10 năm nay. Phía EC muốn xem xét việc triển khai thực thi pháp luật ra sao khi biết Việt Nam vừa ban hành 2 Nghị định mới có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2024.

Tuy nhiên, khi các quy định đặt ra không được tuân thủ đầy đủ thì sẽ không gỡ được “thẻ vàng”. Hoặc, nếu việc tuân thủ chỉ mang tính thời điểm, thì việc nguy cơ bị “thẻ đỏ” cũng là điều khó tránh khỏi. Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT khẳng định, đây là cơ hội cuối cùng để nước ta gỡ “thẻ vàng” IUU. EC đã đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023. Tuy nhiên, cần phải ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và quyết liệt hơn nữa trong công tác xử phạt vi phạm các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm ngắt kết nối VMS. Đồng thời khẩn trương đưa vào triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT).

z3793113061072_cd554b02c872d81948c77e96795668b3.jpg
Chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương.

Mới đây, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản đã khẳng định cam kết, quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương trong việc hoàn thiện hệ thống thể chế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Sau những đợt thanh tra, EC cho rằng, tất cả những khuyến cáo của EC, những điều cấm trong khai thác IUU đều đã có trong Luật Thủy sản 2017, nhưng cấp độ thực thi ở các địa phương còn hạn chế. EC chỉ rõ, từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 tính đến 30/4/2024, Việt Nam chỉ mới xử phạt được 14/144 lượt tàu có chiều dài từ 24 mét trở lên vi phạm mất kết nối trên 10 ngày không quay về bờ (mới đạt 9,7%). Một số tỉnh có số lượng tàu mất kết nối nhiều nhưng tỷ lệ xử phạt rất thấp như: Quảng Ngãi (1/36 lượt); Nghệ An (1/33 lượt); Thanh Hóa (0/18 lượt); Bến Tre (1/9 lượt); Kiên Giang (5/13 lượt), Quảng Nam (1/9 lượt), Bình Thuận (0/3 lượt), Bà Rịa - Vũng Tàu (0/3 lượt), Tiền Giang (2/4 lượt)… Đối với khối tàu từ 15 mét đến dưới 24 mét, xử phạt mới đạt khoảng 10%. Đối với tàu cá từ 24 mét trở lên mất tín hiệu kết nối trên 6 giờ đến 10 ngày trên biển và không báo cáo vị trí định kỳ theo quy định, tính đến ngày 30/4/2024 đã phát hiện 6.717 lượt tàu vi phạm, tuy nhiên chỉ mới xử phạt được 5 lượt tàu… Do đó EC khuyến nghị Việt Nam cần nghiêm túc thực thi pháp luật có hệ thống và thống nhất các phương án xử phạt trong cả nước, tất cả các vụ việc vi phạm được phát hiện phải được xử phạt, không có trường hợp ngoại lệ.

z5449610399313_cbb3016c1710b678a2aa6e9274b76ad7.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra hành chính tàu cá đánh bắt trên biển ở Bình Thuận.

Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, trong đó nhấn mạnh các giải pháp để thực hiện tốt nhất 3 “điểm nghẽn” khiến việc gỡ thẻ vàng IUU còn khó khăn. Đó là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá ngắt thiết bị hành trình và tàu không đăng ký. Về 3 “điểm nghẽn” mà EC nêu, Bình Thuận là một trong những địa phương thực hiện khá tốt, khi là tỉnh tiên phong ban hành Chỉ thị 30 liên quan đến công tác chống khai thác IUU từ năm 2018. Trong 6 năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã kiên trì, nỗ lực, quyết tâm để ngành khai thác thủy sản của tỉnh vừa là thế mạnh, vừa phát triển theo hướng bền vững, khai thác có trách nhiệm, dần thoát khỏi kiểu đánh bắt truyền thống.

che-bien-thuy-san-xuat-khau-anh-n.-lan-5-.jpg
Chế biến thủy sản xuất khẩu là một trong những thế mạnh của tỉnh. (ảnh: N. Lân)

Về kiểm soát tàu cá vi phạm nước ngoài, tỉnh đã lập danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng dân cư. Đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao, được đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Ngoài ra, đã hoàn thành 100% việc lắp thiết bị VMS và sử dụng dữ liệu phục vụ theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển. Bên cạnh đó, tỉnh đã triển khai nghiêm túc đợt cao điểm tổng rà soát, thống kê, phân loại, sàng lọc tàu cá “3 không” đến từng thôn, xã vùng biển trong tỉnh đồng thời triển khai quyết liệt việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác. Do đó, Bình Thuận cũng là 1 trong những tỉnh tiên phong hoàn thành việc đăng ký tạm thời số lượng lớn tàu “3 không”, khi tỉnh có số lượng tàu “3 không” nhiều nhất nước với hơn 2.000 chiếc. Đặc biệt, Bình Thuận chưa phát hiện trường hợp tàu cá có hành vi gửi/giấu thiết bị giám sát hành trình khi đang hoạt động trên biển. Riêng tình trạng mất kết nối VMS, tỉnh đã rà soát và giám sát chặt những trường hợp vi phạm và sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Theo quy định mới, đối với hành vi tắt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt nặng từ 500 - 700 triệu đồng để tăng tính răn đe, các tàu sẽ không còn tình trạng úp nồi cơm hay che thiết bị, ngắt kết nối thiết bị để trốn tránh quy định này.

z5378100034276_bdb9ccc323d81cb73d645b97489caea1.jpg
Chống khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách, triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương.

Đây được xem là những nỗ lực, quyết tâm rất lớn của tỉnh chung tay cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản IUU trong đợt này. Việc gỡ “thẻ vàng” không phải để đối phó, không phải để đáp ứng các yêu cầu của EC, mà mục đích lớn hơn là giải pháp lâu dài để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái, hướng ngư dân, doanh nghiệp có ý thức, trách nhiệm trong khai thác và hoạt động sản xuất kinh doanh, tiến tới phát triển một nghề cá có trách nhiệm và bền vững.

MINH VÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Vì chủ quyền, an ninh, an toàn biển, đảo: 2 nghị định mới sẽ lấp đầy “khoảng trống”, chống khai thác IUU
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 37/2024/NQ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2017/NQ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP. Với 2 nghị định mới này sẽ góp phần siết chặt, cũng như nâng mức xử phạt các vi phạm về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dứt khoát tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” trong các khuyến nghị của EC