Không nhiều! Trừ người đang sinh sống tại Đa Mi, đồng bào các xã Đông Giang, La Dạ… Tại Phan Thiết, phải là người sành ăn, may ra mới tìm đúng gà Đa Mi, thịt heo đen bởi nó chưa được bán rộng rãi.
Gà leo đồi
15 năm trước, bên cạnh trồng cây ăn trái, trồng rừng, người Đa Mi chú ý đến chăn nuôi gia cầm. Một việc lưỡng tiện vì vừa có thêm thu nhập vừa bổ sung nguồn thực phẩm cho gia đình, bởi đi lại Đa Mi thời đó khá gian nan. Người ta chọn giống bằng cách mang gà từ quê cũ vào; mua từ Hàm Thuận Bắc lên. Khi gà còn nhỏ, họ nuôi bằng thức ăn tổng hợp. Gà 2 tháng tuổi, họ chuyển sang cho ăn bắp. Xung quanh là đồi núi, nhà cách nhà 1 quả đồi thấp, 1 - 2 con suối, người nuôi không sợ lẫn gà của nhau. Thay vì nhốt chuồng, gà được thả lên đồi, trong vườn kiếm ăn (chỉ cho ăn lúc cuối ngày). Vì kiếm ăn trong môi trường đồi núi, lấy dưỡng chất là các loại côn trùng lành tính như mối, kiến đen các loại… nên gà săn chắc, thơm thịt, trọng lượng mỗi con khoảng 2 kg trở lại. Thông thường, sau 5 - 6 tháng nuôi, gà được xuất bán cho người ở thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) với giá 150.000 đồng/kg. Vài năm gần đây, người Đa Mi hay mang gà xuống Phan Thiết, giao cho các mối hàng, nhiều hơn cả là những ngày trước Tết Nguyên đán.
Heo địa phương
Heo đen là sản vật của 3 xã: Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc). Trọng lượng con lúc nhỏ khoảng 0,3 - 0,4 kg; con cái trưởng thành 30 – 35 kg; con đực trưởng thành từ 40 – 50 kg, da mỏng, lông thưa, đen toàn thân, mõm dài, xương nhỏ.
Đồng bào K’ho ở 3 xã trên có tập quán nuôi chăn thả. Sau 1 ngày kiếm ăn, heo đen tập trung theo đàn, ngủ dưới sàn nhà, một góc sân nhà. Một đàn heo đen từ 5 - 10 con. Heo ăn cỏ, các loại củ… tìm thấy trong đất, trong rừng. Thỉnh thoảng heo được ăn dặm cám nấu bằng thân cây chuối xắt nhỏ, môn nước… Loại heo này có sức chống chịu bệnh tốt, đặc biệt là với những đàn mà trước đó con nái giao phối với heo rừng. Anh K’ Vĩnh ở thôn 3 La Dạ, có đàn heo đen khoảng chục con, cho hay: “Tôi nuôi heo đen khi mùa mưa bắt đầu, lúc trong rẫy có nhiều nguồn thức ăn và thường bán heo khi gần tết”. Thịt heo đen được các nhà hàng ở Bảo Lộc ưa chuộng. Rất nhiều du khách trên đường đi Đà Lạt, khi dừng chân tại Bảo Lộc, không quên gọi món thịt heo đen (luộc) vì thịt thơm, ngọt, rất ít mỡ, phù hợp với người muốn giảm cân. Đây là điểm khác biệt giữa thịt heo đen và heo nuôi bằng thực phẩm công nghiệp. Heo nuôi bằng thực phẩm công nghiệp không có mùi thơm đặc trưng. Hiện tại, đồng bào Đa Mi, Đông Giang, La Dạ... mong muốn sản vật địa phương họ được tiêu thụ rộng rãi, có thương hiệu như gà Tam Kỳ, heo Đại Lộc (Quảng Nam) hoặc dê núi Ninh Bình…
Bình Thuận, trong đó có Phan Thiết đang phát triển du lịch! Phan Thiết là nơi tập trung nhiều nhà hàng ẩm thực. Ẩm thực của thành phố du lịch càng đa dạng, cơ hội giữ chân du khách càng lớn. Tìm trong sự đa dạng ẩm thực, hình thành cho được món ngon Bình Thuận để giới thiệu với du khách, còn có ý nghĩa là làm phong phú thêm kho tàng ẩm thực Việt và của Bình Thuận! Được thế, người dân vùng núi, miền cao càng có thêm cơ hội nâng cao thu nhập qua con đường chăn nuôi, chế biến thực phẩm, dịch vụ…
Gà đồi Đa Mi, heo đen Hàm Thuận Bắc đang chờ…