Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật nhấn mạnh, Bình Thuận có chiều dài bờ biển 192 km, có vị trí rất quan trọng về chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, khí hậu nhiệt đới, nhiều gió, nhiều nắng, có các cồn cát, đồi cát ven biển và các nhánh núi hướng ra biển, tạo cảnh quan thiên nhiên và các bãi tắm đẹp. Đây là những tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế biển, điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên việc đầu tư các công trình gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, công nghệ, kỹ thuật ứng dụng cho xây dựng kè biển...
Những năm gần đây, dưới sự tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng triều cường, bão lũ với cường độ ngày càng gia tăng đã gây ra tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh rất nghiêm trọng. Hiện nay bờ biển Bình Thuận đang bị sạt lở khoảng 25,9/192 km, có những nơi biển xâm thực sâu vào bờ gần 100m. Khu vực Hàm Tiến – Mũi Né so với đường bờ năm 2006, biển xâm thực từ 20 - 50m. Nguyên nhân sạt lở chủ yếu do triều cường kết hợp với sóng lớn.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, cơ quan quản lý đã chia sẻ, trao đổi, làm rõ thêm những khó khăn trong công tác xây dựng kè biển. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay từ thực tiễn xây dựng kè biển ở trong và ngoài tỉnh để trên cơ sở đó cung cấp thêm thông tin, đề xuất thêm một số mô hình giải pháp xây dựng kè biển phù hợp của tỉnh trong thời gian tới, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Trong đó, các nhà khoa học đã trình bày một số tham luận, nội dung giới thiệu một số giải pháp công nghệ bảo vệ bờ biển tỉnh Bình Thuận; một số kỹ thuật mới của tỉnh đã được nghiên cứu chuyển giao phục vụ cho các công trình bảo vệ bờ biển…
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, hiện nay tình trạng sạt lở bờ biển ở tỉnh đang xảy ra rất nghiêm trọng, có nguyên nhân khách quan và cả nguyên nhân chủ quan do con người tác động. Trong thời gian qua, UBND tỉnh rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng các kè biển chống xói lở, tuy nhiên nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên chưa đầu tư đáp ứng nhu cầu sạt lở bờ biển hiện nay của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, những ý kiến tâm huyết, chất lượng của các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày, chia sẻ tại hội thảo lần này. Trong thời gian tới, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu và cụ thể hóa nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện các công trình bảo vệ bờ biển trên địa bàn tỉnh. Đối với việc đầu tư xây dựng các tuyến kè chống xói lở bờ biển, Sở Nông nghiệp và PTNT phải nghiên cứu sâu hơn nữa, trước mắt tham mưu, đề xuất UBND tỉnh triển khai thí điểm nghiên cứu chuyên sâu ở một số khu vực bị xói lở của tỉnh.
Trong quá trình thẩm định, cấp phép, chú ý giải pháp kỹ thuật, thiết kế, vật liệu, giám sát đảm bảo chất lượng công trình. Đối với khu vực các bãi tắm, bờ biển của tỉnh đã có định hướng phát triển du lịch, không được sử dụng cấu kiện đá đổ để xây dựng các tuyến kè.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải, xói lở bờ biển hiện nay diễn ra rất phức tạp, do đó nhiệm vụ bảo vệ bờ biển rất khó khăn, cần nhiều kinh phí. Vì vậy, UBND tỉnh mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực này quan tâm, đồng hành, hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh Bình Thuận thực hiện tốt nhiệm vụ chống xói lở bờ biển trong thời gian đến.