Theo dõi trên

Giáo dục văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên

07/07/2022, 16:07 - Lượt đọc: 462

Văn hóa liêm chính của người Việt được hình thành trước hết từ nền giáo dục dân gian, được đúc kết bằng các câu tục ngữ, như: “Đói cho sạch, rách cho thơm”; hay “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”; hoặc “Áo rách cốt cách người thương”...

Những lời dạy ấy làm cho con người từ bé sớm biết “trọng danh” hơn “trọng thực”, coi danh dự là tài sản quý giá, là điều thiêng liêng, mất nó thì không lấy gì bù đắp được.

mquan-liem-chinh-15436019335381378320509.jpg

Về sau, người Việt chịu ảnh hưởng của nho giáo và giáo dục khoa cử nho học, đã tiếp thu một số tri thức trong nho giáo trở thành phương châm sống, chuẩn mực đạo đức như “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” và cao hơn cả là với người quân tử “Thực vô cầu bão, cư vô cầu an”. Đó chính là phương châm sống, phẩm chất đạo đức quan trọng của kẻ sĩ, của người làm quan.

“Liêm” và “Chính” là 2 trong 4 đức tính cốt lõi của con người: cần, kiệm, liêm, chính. Đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên, 4 đức tính ấy là nội dung cốt lõi phản ánh đạo đức cách mạng, là “nền tảng của đời sống văn hóa mới”, là phẩm chất trung tâm của đạo đức và là mối quan hệ đối với “tự mình” của người cách mạng. Mức độ cần, kiệm, liêm, chính trong Đảng mà trực tiếp của mỗi cán bộ, đảng viên chính là trình độ văn minh, sự phát triển văn hóa của một dân tộc vì Đảng ta là Đảng cầm quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.

Theo đó, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Đồng thời, bác bỏ luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là “đấu tranh nội bộ”, “phe cánh”.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên thì Đảng ta cũng phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng chính sách, cơ chế để “không dám và không thể tham nhũng, tiêu cực”. Tức là, phải có hàng rào luật pháp chặt chẽ và để không ai muốn tham nhũng, tiêu cực vì phải trả giá rất đắt cả về cuộc sống, sinh mệnh và danh dự. Đồng thời, phải tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, ủng hộ cái tích cực và dấy lên trong hệ thống chính trị và công luận xã hội để bảo vệ chính nghĩa, lương thiện. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng, tiêu cực”.

Trong điều kiện cơ chế, chính sách, pháp luật thiếu đồng bộ và chưa đủ răn đe, nếu tinh thần liêm, chính không được giáo dục, tuyên truyền thường xuyên và trở thành tự giác trong cán bộ, đảng viên, thì khi thực thi nhiệm vụ, trong suốt quá trình đó có thể dẫn đến cán bộ, đảng viên dễ bị tha hóa, biến chất. Vì thế, tổ chức Đảng các cấp, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội bên cạnh việc giáo dục liêm, chính, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ tổ chức của Đảng ngay từ lúc mới bắt đầu manh nha.

Song, phải xác định cụ thể, rõ ràng, chính xác về các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên đối với công việc được giao, cụ thể cho từng ngành nghề, lĩnh vực, vị trí công tác. Từng cán bộ, đảng viên phải cam kết thực hiện và có đánh giá, sơ kết, tổng kết, xếp loại chính xác, thực chất hàng năm của tổ chức Đảng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, tiến hành rà soát, sàng lọc, tiếp tục đưa ngay những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng.

Muốn vậy, các cấp ủy Đảng cần quan tâm đưa nội dung giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng vào sinh hoạt chi bộ thường kỳ, sinh hoạt theo chuyên đề. Cấp ủy cấp trên quan tâm gợi ý kiểm điểm và trực tiếp tham dự, chỉ đạo những chi ủy, chi bộ có đảng viên có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, không liêm chính. Cùng với đó, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải nghiêm túc thực hiện việc tiếp công dân theo quy định của Đảng; phải lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân, nhất là những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Đồng thời xây dựng và thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân trong phản ánh, tố giác và tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Có thể thấy, vấn đề tuyên truyền, giáo dục văn hóa liêm chính, văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực lúc này trở nên vô cùng cấp bách. Nó làm thước đo sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, thước đo về phẩm chất, năng lực của cán bộ đảng viên, là thước đo về sự giác ngộ, trách nhiệm trong việc cùng với Đảng, Nhà nước bảo vệ chế độ, giữ cho Đảng, chế độ trong sạch, vững mạnh.

DỤNG VĂN DUY


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Long: Giữ  “hồn cốt”, lan tỏa nghệ thuật đờn ca tài tử
Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Long sinh ra ở vùng quê tiếp giáp với thành phố Phan Thiết, cuộc đời và sự nghiệp bắt đầu từ năm 1964 ông theo học nghề thầy Nguyễn Văn Diễn (đã mất), là một nghệ nhân đờn ca tài tử tại thị trấn Phú Long (ngày nay) tiếp tục học nâng cao ở thầy Bảy Trạch, nghệ nhân nổi tiếng thời bấy giờ.
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2024
BTO-Chiều 27/3, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết và Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết nhân Lễ Phục sinh năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo dục văn hóa liêm chính trong cán bộ, đảng viên