Theo dõi trên

Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Gìn giữ di sản phi vật thể cho muôn đời sau. Bài 2

11/09/2023, 08:53

Bài 2: Tạo “không gian sống” cho di sản

Bình Thuận cũng như nhiều địa phương trong cả nước chịu tác động bởi quá trình đô thị hóa và sự phát triển của kinh tế thị trường, nên thách thức lớn nhất là một bộ phận giới trẻ chưa cảm nhận hết giá trị của di sản do bị ảnh hưởng bởi các trào lưu mới, ít tìm thấy sự say mê để theo học, thực hành. Vì thế tỉnh đã và đang có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp hiệu quả khuyến khích các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…

Thách thức trong công tác bảo tồn

Gốm Chăm ở làng Bình Đức được làm hoàn toàn thủ công, bằng đôi bàn tay khéo léo, bởi thế mỗi sản phẩm tuy có hình dáng chung giống nhau, nhưng quan sát kỹ không chiếc nào giống chiếc nào. Ngay cả những sản phẩm gốm mỹ nghệ, hoa văn cũng không có mẫu mã trước, người thợ vẽ chìm trên thân sản phẩm. Đó là những hình ảnh dân dã, nét đời thường, gần gũi, đậm nét dân tộc Chăm. Tuy nhiên thống kê của UBND xã Phan Hiệp năm 2023, chỉ còn 43 hộ theo nghề, trong tổng số 408 hộ toàn thôn. Khó khăn hiện nay là nguồn nguyên liệu đất sét ngày càng khan hiếm, giá củi tăng cao, bãi nung chật. Cộng thêm thị trường tiêu thụ mang tính tự phát, bấp bênh, giá thành sản phẩm chưa tương xứng với công sức và thời gian lao động khiến đời sống gia đình các hộ làm nghề thấp, chưa ổn định.

gom2.jpg
Nghề gốm truyền thống đứng trước khó khăn về nguyên liệu, bãi nung chật hẹp

Còn với những thể loại nghệ thuật dân gian đều phụ thuộc vào cộng đồng; trong khi những nghệ nhân thực hành các loại hình nghệ thuật dân gian trong cộng đồng dân cư ngày càng cao tuổi, nhiều bậc cao niên tâm huyết đã qua đời. Ngoài ra, di sản văn hóa phi vật thể là loại hình văn hóa được trao truyền chủ yếu bằng hình thức truyền miệng nên việc sưu tầm và thực hành di sản ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.

Như bức tranh với những gam màu sáng tối đối lập, có không ít di sản đứng trước nguy cơ mai một và đã bị mai một. Chẳng hạn như dân tộc Raglai, các điệu hát ngâm Hari, Xitít, Kathơn, hát đối đáp giao duyên… vốn được coi là phổ biến trong cộng đồng trước đây, thì hiện nay số người biết hát các điệu hát này rất ít và chỉ còn một vài người. Các điệu múa trong lễ nghi, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng và lao động sản xuất cũng chỉ còn lưu giữ một vài động tác cơ bản.

c0176t01.jpg

Tương tự, với dân tộc Cờho, trước đây nhạc cụ rất phong phú nhưng hiện nay người Cờho ở Bình Thuận chỉ còn lưu giữ các nhạc cụ chủ yếu như Cồng, Chiêng, trống Sagơr, kèn Bầu, Lục lạc. Các nhạc cụ này thường được diễn tấu với các điệu nhạc trong các lễ cúng của gia đình, dòng tộc và các lễ hội, ngày vui của cộng đồng. Khoảng nửa thế kỷ trở lại đây do nhiều yếu tố và nguyên nhân tác động, nên đa phần các lễ hội lớn của dòng tộc, cộng đồng gần như không còn, mà thỉnh thoảng họ mới tổ chức lễ hội đâm trâu tế thần. Thực trạng đó đặt ra vấn đề nếu địa phương không có kế hoạch bảo tồn, thì dần dần các yếu tố văn hóa gốc, văn hóa truyền thống sẽ bị thất truyền theo thời gian.

Bảo tồn cho thế hệ mai sau

Trong số 117 di sản văn hóa phi vật thể trong tỉnh, thuộc 7 loại hình: tiếng nói - chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, thì 5 lễ hội truyền thống và văn hóa tiêu biểu của các dân tộc được tỉnh chọn để phục vụ phát triển du lịch gồm Lễ hội Katê của người Chăm tại tháp Pô Sah Inư, Lễ hội Cầu ngư tại vạn Thủy Tú, Lễ hội Trung thu, Lễ hội Nghinh Ông của người Hoa (Phan Thiết), Lễ hội dinh Thầy Thím (La Gi) đều phát huy giá trị, có sức thu hút nhân dân, du khách trong và ngoài nước, đóng góp vào sự phát triển của ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh.

_lan3564.jpg
 Lễ hội Cầu ngư đã thu hút rất đông du khách đến TP.Phan Thiết
c0163t01.jpg
Biểu diễn văn nghệ trên tháp Pô Sah Inư

Điều đáng mừng với tư cách chủ thể di sản, trong đó các nghệ nhân được coi là “báu vật” sống, là những người gìn giữ, thực hành di sản, đồng thời cũng là những người truyền thụ di sản cho thế hệ sau, họ dần ý thức hơn trong việc truyền dạy, tuyên truyền. Ngay trong làng nghề gốm Bình Đức, tại gia đình ông Lâm Hùng Sổi những kinh nghiệm làm nghề đang được hai con của ông tiếp nối. Hay tại gia đình chị Đặng Thị Hồng – một trong những nghệ nhân làm gốm mỹ nghệ tại đây, đang được “tiếp lửa” cho người con gái 15 tuổi.

Không những thế tại Bắc Bình nhiều câu lạc bộ, đội văn nghệ được thành lập và hoạt động hiệu quả. Có thể kể nhóm múa Chăm (Phan Hiệp, Phan Hòa), nhóm phụ nữ làm gốm gọ (Phan Hiệp), nhóm đánh Đồng la (Phan Điền), mô hình âm thanh giã gạo (Phan Sơn). Chính sự chủ động, tích cực ấy ở các thôn, xã đang góp phần giới thiệu các làn điệu dân ca, nghề truyền thống đến với công chúng, nâng cao ý thức, lòng tự hào của người dân trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng.

c0130t01.jpg
c0173t01.jpg
Những ngày hội văn hóa tái hiện nghi lễ và văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Để huy động cả cộng đồng và hệ thống chính trị tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản, nhiều chính sách của Trung ương và địa phương đã được ban hành, hỗ trợ kinh phí. Trong đó, UBND tỉnh đã triển khai chương trình “Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”. Tiếp đó là kế hoạch thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030. Với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu khôi phục, bảo tồn được từ 1 - 2 nghề truyền thống và từ 1-2 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; phát triển từ 2 - 3 làng nghề gắn với du lịch. 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Bên cạnh ngày hội văn hóa tại địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh liên tục tổ chức các hoạt động với chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc tỉnh Bình Thuận trong thời kỳ đổi mới, hội nhập”; biểu diễn Lễ hội văn hóa đường phố…

img_2363.jpg
c0115t01.jpg
Những hoạt động văn hóa truyền thống được bảo tồn sẽ góp phần phát triển du lịch địa phương

Đặc biệt, cụ thể hóa Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong năm 2023, Sở có kế hoạch tổ chức các hoạt động trình diễn, tái hiện Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận tại 4 đền tháp Pô Sah Inư (TP.Phan Thiết), đền thờ Pô Tằm (Hàm Thuận Bắc), đền thờ Pô Nít (Bắc Bình) và đền thờ Pô Nrop (Tuy Phong). Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí mua nhạc cụ, trang phục nam và nữ dân tộc Chăm trình diễn dịp Lễ hội Katê diễn ra tại 4 đền tháp.

Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, giới thiệu Lễ hội Katê đến với nhân dân và du khách sẽ được thực hiện thông qua nhiều kênh. Những lớp truyền dạy kỹ thuật làm gốm truyền thống; truyền dạy và hỗ trợ loa, mua trang phục biểu diễn cho đội văn nghệ dân gian Cờho tại hai xã Đông Giang, La Dạ sẽ tạo môi trường để các nghệ nhân, nhân dân thực hành và trình diễn.

Với những kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng, cụ thể, những nét tinh hoa được chắt lọc ngàn đời mang đậm truyền thống nhân văn, tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc sẽ tiếp tục sống trong cộng đồng một cách bền vững. Đây cũng là cách cụ thể hóa một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định đó là chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

 Di sản văn hóa là tài nguyên cho du lịch khai thác và ngược lại du lịch góp phần quảng bá di sản, làm cho di sản sống trong cộng đồng, tạo ra nguồn lực kinh tế để quay lại đầu tư cho công tác bảo vệ di sản.

Bài 1: Gắn kết di sản và cộng đồng

THÙY LINH; ẢNH NGỌC LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Văn hóa Chăm, K'ho Bình Thuận đến Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung
Đây sẽ là chủ đề xuyên suốt trong chương trình của đoàn Bình Thuận trong Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV sắp tới tại Bình Định (gọi tắt Ngày hội).
Nổi bật
Không để xảy ra tình trạng công trình, dự án phải chờ mặt bằng
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là yếu tố quan trọng để kích cầu trong sản xuất, tiêu dùng, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài dự thi Giải Cờ Đỏ: Gìn giữ di sản phi vật thể cho muôn đời sau. Bài 2