Theo dõi trên

Giới trẻ nên tránh xa thuốc lá điện tử, nung nóng

29/11/2024, 05:37

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có sự gia tăng ở giới trẻ. Điều này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, trở thành một mối quan tâm lớn trong cộng đồng.

Gia tăng nhanh ở giới trẻ

Năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam tập trung cao ở nhóm tuổi từ 15-24 với tỷ lệ lên tới 7,3%. Những con số này cho thấy một thực trạng đáng lo ngại khi thuốc lá điện tử không chỉ thu hút người lớn tuổi mà còn đặc biệt phổ biến trong giới trẻ. Tiếp theo là nhóm tuổi 25 - 44 tuổi, với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,2%, và nhóm tuổi 45 - 64 tuổi ở tỷ lệ 1,4%. Trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13 - 15 tuổi ở Việt Nam gia tăng một cách đáng kể, từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023, đặt ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe của thế hệ tương lai. Đó là báo cáo điều tra từ các cuộc khảo sát về tình hình sử dụng thuốc lá tại Việt Nam.

thuoc-la-1.jpg
Không có thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe

Một yếu tố góp phần vào sự gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử là do không có khói, ít mùi, dễ sử dụng và được quảng bá “an toàn”. Việc thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử, nung nóng khiến nhiều người, đặc biệt là thanh thiếu niên, lầm tưởng rằng thuốc mới này ít nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. Thực tế, thuốc lá điện tử, nung nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho hệ hô hấp, tim mạch và thần kinh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định không có bằng chứng thuốc lá điện tử, nung nóng ít hại hơn thuốc lá điếu. Cả hai đều chứa nicotine, chất gây nghiện có hại với sự phát triển của não bộ trẻ em. Hơn nữa, việc sử dụng kết hợp các loại thuốc lá làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh, chứ không có mục đích cai thuốc lá. Vì vậy, WHO không công nhận thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là biện pháp hỗ trợ hiệu quả trong việc cai nghiện thuốc lá.

Gây ngộ độc, di ứng, đột quỵ não

Theo báo cáo từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trực thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện năm 2023 có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, nung nóng với triệu chứng dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp và cả đột quỵ não. Số ngày điều trị trung bình từ 1 - 6 ngày; sau điều trị vẫn để lại di chứng ở 62 người, chiếm tỷ lệ 5%.

Hơn nữa, thuốc lá điện tử tăng nguy cơ sử dụng ma túy do người dùng có thể tự pha chế dung dịch, pha trộn các chất cấm như cần sa tổng hợp, ketamin, heroin vào thuốc lá, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ năm 2022, Việt Nam ghi nhận một loạt các ca bệnh điển hình nhập viện do người sử dụng hút thuốc lá điện tử có phối trộn ma túy. Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận gần 130 trường hợp nhập viện bị ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử trong đó có ngộ độc ma túy năm 2022, 2023.

Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định không có một sản phẩm thuốc lá nào an toàn cho sức khỏe. Với các thiết kế đa dạng hấp dẫn với thanh thiếu niên, nguy cơ thuốc lá mới góp phần làm cho giới trẻ nghiện nicotine, các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ và an ninh trật tự xã hội. Do tỷ lệ thanh thiếu niên gia tăng sử dụng thuốc lá mới, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Quốc hội kịp thời ban hành quy định cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn như cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, nung nóng.

TRANG MINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Đó là chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh đến các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới trẻ nên tránh xa thuốc lá điện tử, nung nóng