Theo dõi trên

Hạ tầng tạo ra cuộc sống mới

31/03/2023, 05:49

Việc cải thiện dân sinh kinh tế, an ninh - quốc phòng và tạo điều kiện phát triển du lịch thể hiện rõ rệt trên địa bàn huyện Bắc Bình thời gian qua, cho thấy tất cả vì giao thông đã mở lối. Và cũng từ đó bắt đầu xây dựng các hạ tầng kỹ thuật khác…

Kết nối 4 miền

Bây giờ muốn đi về các xã thuộc 4 vùng: Miền núi, trung du, đồng bằng và vùng biển của Bắc Bình đều đã có đường nhựa dẫn tới nơi. Muốn đi về phía biển các xã Hồng Phong, Hòa Thắng sẽ theo đường liên xã Lương Sơn – Hòa Thắng. Muốn đi về vùng trung du với 2 xã Bình An, Sông Bình hay các xã miền núi với Phan Lâm, Phan Sơn… sẽ theo tuyến Chợ Lầu - Bình An nối vào QL 28B hoặc theo tuyến QL 28B bắt đầu tại thị trấn Lương Sơn. Còn về các xã, thị trấn vùng đồng bằng, nào là Sông Lũy, Hồng Thái, Bình Tân, Phan Hòa, Phan Hiệp… thì từ QL 1A, những tuyến đường đi về và kết nối các nơi này đã hình thành một mạng lưới giao thông dày đặc. Và câu chuyện bụi mù trời nắng, lầy lội mùa mưa ở huyện thuần nông Bắc Bình trước đây đã không còn, ngay cả việc đi đứng trong địa bàn từng xã. Báo cáo của UBND huyện Bắc Bình cho thấy, đến nay, hệ thống đường trong đô thị dài 52,05 km (Lương Sơn có 23,3 km, Chợ Lầu có 28,75 km) và hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa từ năm 2011 đến nay với chiều dài 107,8 km. Có nghĩa hơn 10 năm qua, bình quân hàng năm Bắc Bình thực hiện đầu tư khoảng 9,8 km, góp phần thay đổi cảnh quan, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.

binh-nh-n.jpg
Đường giao thông ven biển ở xã Hòa Thắng, Bắc Bình. Ảnh: N.Lân

Thực tế, đó là sự tiếp nối, vì trước đó, ngay những năm đầu tái lập, huyện đã rất quan tâm đến việc xây dựng giao thông để kết nối đồng bằng và miền biển. Đầu tiên là tuyến đường liên xã Lương Sơn - Hòa Thắng (nay là tỉnh lộ 715) dài 23 km, nối liền quốc lộ 1A đến các xã căn cứ khu Lê Hồng Phong cũ. Báo cáo 40 năm Ngày tái lập huyện Bắc Bình có tái hiện lịch sử thi công tuyến đường trên: “Sau nửa tháng thi công bằng lao động thủ công của huyện, cùng lực lượng thi công cơ giới của tỉnh, giai đoạn 1 làm từ xã Lương Sơn đến thôn Hồng Lâm thuộc xã Hòa Thắng dài 16 km đã hoàn tất và được nghiệm thu vào cuối tháng 11/1983. Sau đó, Huyện ủy giao nhiệm vụ cho Ban Thường vụ Huyện đoàn vận động hàng ngàn lượt đoàn viên, thanh niên hăng hái lên công trường tiếp tục thi công giai đoạn 2 tuyến đường “nghĩa tình” từ Trường tiểu học Hồng Lâm đến thôn Hồng Chính với chiều dài 7 km và đã hoàn thành thông tuyến vào giữa năm 1984. Tuyến đường này ngày nay được mở rộng, chiều dài 33,2 km”.

Phải đến 30 năm sau, hành trình kết nối trên mới tiếp tục với miền núi, khi QL28B qua địa bàn huyện Bắc Bình với chiều dài 52 km, có điểm đầu tại quốc lộ 1A (thị trấn Lương Sơn) và điểm cuối giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, hoàn thành vào tháng 3/2014. Điều đó có ý nghĩa quan trọng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh, vì không chỉ nối liền trung tâm huyện và các xã Sông Bình, Phan Sơn, Phan Lâm mà còn nối với tuyến đường 715 tạo sự thông suốt giữa vùng biển và miền núi của huyện và của tỉnh với Lâm Đồng. Vì tiếp đó, sự xuất hiện của tuyến đường giao thông ven biển Phan Thiết - Hòa Thắng đã nối Mũi Né (TP.Phan Thiết) - Bắc Bình - Lâm Đồng. Cũng trong thời gian đó, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được nâng cấp nhựa hóa từ trung tâm huyện đến các xã miền núi, vùng xa với hàng loạt các tuyến đường. Việc cải thiện dân sinh kinh tế, an ninh - quốc phòng và tạo điều kiện phát triển du lịch thể hiện rõ rệt cho thấy tất cả vì giao thông đã mở lối. Và cũng từ đó bắt đầu xây dựng các hạ tầng kỹ thuật khác.

Qua đỉnh khó khăn

Theo Phòng Hạ tầng kinh tế Bắc Bình, với 18 xã, thị trấn, Bắc Bình có thuận lợi với địa bàn rộng nhưng đồng thời đó cũng là nỗi lo lớn trong huy động các nguồn lực để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từ đường, điện, trường, trạm cho đến nước sạch sinh hoạt. Đó là câu chuyện của nhiều năm về trước, khi phải nỗ lực rất nhiều để bảo đảm sự cân đối trong đầu tư của mỗi xã, thị trấn cũng như tạo sự hài hòa trong sự phát triển chung. Kết quả như hiện tại, Bắc Bình đã giải quyết cơ bản hạ tầng kỹ thuật trên, như đã qua đỉnh khó khăn. Nổi bật, hệ thống trường lớp, trạm y tế ở các xã, thị trấn trong huyện đều đạt yêu cầu. Vỉa hè, cây xanh, công viên... được quan tâm. Đó cũng là lý do phần lớn các xã, thị trấn trong huyện đã đạt xã nông thôn mới, đô thị văn minh.

u-binh-nh-n.jpg
Đường giao thông xã Hồng Phong, Bắc Bình. Ảnh: N.Lân

Cũng theo Phòng Hạ tầng kinh tế Bắc Bình, năm 2022, trên địa bàn có các công trình hạ tầng bị rớt chuẩn so với chuẩn mới xây dựng nông thôn mới nên giai đoạn này, Bắc Bình tiếp tục huy động các nguồn vốn để xây dựng các công trình trên đạt chuẩn cũng như đẩy nhanh đầu tư hạ tầng ở 6 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều nhất vẫn là hạ tầng bên giáo dục và y tế.

Vài năm gần đây, Bắc Bình đang là vùng thu hút đầu tư nổi bật. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng có vượt trội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Như giai đoạn 2020 – 2022, trên địa bàn huyện có đến 1.212 dự án triển khai với tổng vốn ngân sách nhà nước đầu tư lên 537.306 triệu đồng, trên nhiều lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, văn hóa, điện… Trong khi đó, dự án ngoài ngân sách nhà nước có 16 dự án xây dựng với tổng vốn 3.241 tỷ đồng. Từ đó, không chỉ kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, miền núi trên địa bàn huyện ngày càng được hoàn thiện, mà qua đó còn cơ bản đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số để họ có một cuộc sống mới so với trước.

Với tinh thần đó, việc triển khai Kế hoạch số 112-KH/HU, ngày 1/3/2022 của Huyện ủy (khóa XII) thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 28/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025, Bắc Bình nhấn mạnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; rà soát, lập nhiệm vụ quy hoạch chung xã, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng về đất đai, nắng, gió, du lịch, nông nghiệp để thu hút đầu tư dự án ngoài ngân sách về du lịch, năng lượng, công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

NAM LONG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chị Nghĩa thoát nghèo bền vững
Những năm qua, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” tại thị trấn Lương Sơn (huyện Bắc Bình) được lan tỏa sâu rộng trong hội viên phụ nữ. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chị Trần Thị Nghĩa (SN 1966) ở khu phố Lương Nam, thị trấn Lương Sơn là tấm gương điển hình như thế.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạ tầng tạo ra cuộc sống mới