Theo dõi trên

Hàm Tân: Khai thác sử dụng hiệu quả nền tảng dùng chung của tỉnh và quốc gia

02/11/2023, 05:15

Công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện Hàm Tân tiếp tục được địa phương quan tâm đẩy mạnh nhằm triển khai đem lại hiệu quả thiết thực trên lĩnh vực này…

Tại Hàm Tân, chuyển đổi số luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ huyện đến cơ sở và bố trí đa dạng nguồn kinh phí để đáp ứng yêu cầu hiện nay. Đồng thời, UBND huyện cũng đã chỉ đạo cơ quan liên quan rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách của cấp trên nhằm tạo môi trường thuận lợi trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án về chuyển đổi số bằng hình thức phù hợp.

z4826306612496_1535cf03e6252f8a91719fa83f55a31c.jpg
Huyện đoàn Hàm Tân tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (Ảnh minh họa).

Đối với hạ tầng số, đến nay hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng di động 3G, 4G và cố định tại Hàm Tân đã phủ đến 10/10 xã - thị trấn cùng mạng lưới điểm phục vụ với gần 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ bưu chính, viễn thông. Trong khi đó, 100% cán bộ công chức, viên chức cấp huyện cũng như ở địa bàn cơ sở đều được trang bị máy tính phục vụ hoạt động chuyên môn, tất cả phòng ban thuộc UBND huyện và UBND các xã - thị trấn có mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao (tối thiểu 40 Mbps)… Riêng tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện và cấp xã - thị trấn cơ bản trang bị đầy đủ thiết bị nhằm đem lại hiệu quả trong hoạt động chuyên môn gắn với cải cách hành chính.

Năm nay, Hàm Tân tiếp tục triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Ngoài ra địa phương còn tập trung củng cố, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực làm sạch dữ liệu đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống để kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Hiện các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện cũng khai thác sử dụng hiệu quả nền tảng dùng chung của tỉnh, nền tảng quốc gia đã được triển khai và đưa vào sử dụng. Như: Phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý cán bộ công chức, phần mềm khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý hộ tịch, phần mềm một cửa, dịch vụ công…

Hướng đến chính quyền số, hiện 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đã được địa phương cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tổ chức niêm yết tra cứu thủ tục hành chính bằng mã QR. Bên cạnh đó còn tăng cường truyền thông, giới thiệu ứng dụng trên nền tảng số để người dân tương tác với chính quyền trên thiết bị di động thông minh, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh như: PAPI, PAR Index, SIPAS… Còn với xã hội số thì đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích và từng bước hình thành công dân số. Ghi nhận tại Hàm Tân cho thấy, đến nay 53/53 thôn - khu phố trên toàn huyện   đã có Tổ Công nghệ số cộng đồng với 159 thành viên, 10/10 xã - thị trấn có Tổ chuyển đổi số.

Về phát triển kinh tế số, địa phương đang triển khai đăng ký sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện nhà để hỗ trợ đưa lên các sàn thương mại điện tử nhằm tạo đầu ra thuận lợi cho cơ sở sản xuất, nông dân. Nhất là tập trung trên 3 sàn thương mại điện tử do tỉnh triển khai như postmart.vn (VNPost), voso.vn (ViettelPost), sàn thương mại điện tử Bình Thuận (sanphamdiaphuong.com.vn). Thông qua hỗ trợ chuyển đổi số trên địa bàn, đến nay nhiều hàng quán, cửa hàng tiện ích nơi đây cũng bắt đầu triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ…

Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, tới đây huyện Hàm Tân vẫn dành sự quan tâm, bố trí nguồn lực tương xứng cho công tác này, nhất là về đầu tư, nâng cấp, bổ sung kịp thời trang thiết bị phục vụ giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của huyện và các xã - thị trấn. Mặt khác còn xúc tiến thực hiện thí điểm chính quyền số và mô hình “Café công dân số” tại xã Tân Đức và thị trấn Tân Minh nhằm tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tham gia chuyển đổi số. Tiếp tục tổ chức và hướng dẫn người dân địa phương tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình, thanh toán không dùng tiền mặt... Cùng với đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tiếp nhận thông tin nhanh chóng, chính xác cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Báo Bình Thuận trong tiến trình chuyển đổi số
Chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng nhằm mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Tân: Khai thác sử dụng hiệu quả nền tảng dùng chung của tỉnh và quốc gia