Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Nuôi heo cỏ địa phương an toàn dịch bệnh

16/03/2021, 08:48

BT- Trước tình hình đàn heo cỏ của huyện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Thuận Bắc đã xây dựng mô hình “Chăn nuôi heo cỏ địa phương an toàn dịch bệnh” quy mô 30 con tại 3 xã miền núi Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ với mục đích tái đàn heo cỏ của địa phương…

                
   Heo cỏ địa phương ở Hàm Thuận Bắc.

 Bảo tồn nguồn giống

Heo cỏ địa phương là giống heo bản địa được nuôi từ rất lâu tại địa bàn các xã miền núi của huyện Hàm Thuận Bắc. Giống heo này có ưu điểm dễ nuôi, ít công chăm sóc, thích nghi tốt với địa phương, chất lượng thịt thơm ngon rất được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, lâu nay tập quán chăn nuôi của đồng bào vẫn chưa thật sự an toàn, luôn bị dịch bệnh đe dọa.

Nắm bắt được điều này, từ tháng 6/2020 đến nay, Trung tâm Kỹ thuật vàdịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Bắc và UBND các xã Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Hội Nông dân xã tổ chức chọn hộ, chọn điểm tham gia mô hình. Sau khi bàn bạc, đã thống nhất chọn 11 hộ với tổng số 30 con heo, trong đó có hộ ông K’ Văn Von, thôn 1, bà K’ Thị Lâm, thôn 2, xã Đông Tiến… 

Theo đó, địa phương phổ biến chính sách hỗ trợ về giống và vật tư cho các hộ tham gia mô hình (100% về giống và  vật tư). Trước khi giao heo, trung tâm và UBND xã tổ chức tập huấn về kỹ thuật “Chăn nuôi heo cỏ địa phương an toàn dịch bệnh” cho các hộ tham gia mô hình và các hộ có chăn nuôi của 3 xã miền núi.

Kết quả theo dõi cho thấy, ở giai đoạn sau 1 tháng nuôi, heo sinh trưởng phát triển bình thường. Các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho heo. Trọng lượng bình quân 13 kg/con, nhiều con đạt 15-16 kg/con, tỷ lệ sống 100%. Giai đoạn sau 7 tháng nuôi, heo sinh trưởng và phát triển tốt; trọng lượng bình quân 35 kg/con.

Giữa tháng 3/2021,  Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Bắc đã tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình này. Theo đánh giá, qua 7 tháng theo dõi, tổng chi phí cho 1 con heo gần 4 triệu đồng, với giá bán 150.000 đồng/kg, lãi bình quân 1,3 triệu đồng/con.

Bà Võ Thị Kim Linh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật và dịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Bắc cho biết: Mô hình với mục tiêu là tái đàn heo địa phương nên hiệu quả mô hình còn mang ý nghĩa góp phần bảo tồn giống. Hiện tại đàn heo đang trong thời kỳ sinh sản. Dự tính mỗi con sinh sản trung bình khoảng 6-7 heo con/lứa. 

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Theo bà Linh, để đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi cũng như tạo ra sản phẩm sạch, an toàn bán ra thị trường, người chăn nuôi heo phải chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, các hộ chăn nuôi khi mua heo giống phải rõ nguồn gốc, từ những cơ sở giống tốt. Mặt khác, chuồng nuôi đúng quy cách và bảo đảm mật độ nuôi, diện tích hợp lý, chuồng phải sạch sẽ, thoáng, mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Khu vực chăn nuôi phải cách xa nhà, có hàng rào ngăn cách với các khu vực khác, không chăn thả tự do. Vệ sinh chuồng trại hàng ngày, định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi, phun thuốc sát trùng 1 – 2 lần/tuần…

Từ mô hình chăn nuôi heo cỏ địa phương an toàn dịch bệnh đạt hiệu quả, địa phương cần tiếp tục nhân rộng mô hình cho đoàn viên, hội viên, nông dân chăn nuôi heo theo hướng an toàn dịch bệnh, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chủ động ngừa bệnh bằng các loại vắc xin, hạn chế dịch bệnh xảy ra, nhằm đảm bảo sức khỏe cho đàn heo và cho người chăn nuôi tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn cho người tiêu dùng…

    
    Giống heo cỏ địa phương   có chất lượng thịt ngon, dễ nuôi, thích nghi với điều kiện nuôi ở địa   phương và được thị trường tiêu thụ mạnh.

Kiều HẰng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Nuôi heo cỏ địa phương an toàn dịch bệnh