Theo đó đến năm 2025, địa phương phấn đấu đưa giá trị sản phẩm ngành công nghiệp chiếm 25 - 27% trong tổng giá trị các ngành kinh tế của huyện, còn với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt khoảng 150 triệu USD/năm. Ngoài ra cũng nỗ lực thu hút các dự án, cơ sở sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản lấp khoảng 20% diện tích quy hoạch vùng sản xuất nông - lâm - thủy sản ở những xã, thị trấn còn quỹ đất nông nghiệp lớn như theo kế hoạch. Đến năm 2030, tiếp tục nâng giá trị sản phẩm ngành công nghiệp chiếm 28 - 30% trong tổng giá trị các ngành kinh tế, đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp lên khoảng 250 triệu USD/ năm. Đối với thu hút các dự án, cơ sở sản xuất, chế biến nông - lâm - thủy sản sẽ phấn đấu lấp đầy khoảng 50% diện tích quy hoạch vùng sản xuất nông - lâm - thủy sản tại những xã, thị trấn còn quỹ đất nông nghiệp lớn…
Để thực hiện đem lại kết quả trong giai đoạn sắp tới, Hàm Thuận Bắc chú trọng nâng cao chất lượng lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ phát triển công nghiệp. Cùng với đó tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp mà địa phương có lợi thế như chế biến nông - lâm - thủy sản, nhất là ưu tiên cho dự án nhà máy chiếu xạ thanh long, dự án chế biến sản phẩm từ trái thanh long. Hoặc dự án nhà máy sản xuất thức ăn gia súc - gia cầm, dự án đầu tư khôi phục và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với quy hoạch, phát triển nguồn nguyên liệu của địa phương như thanh long, sầu riêng, mít, cá tầm… Liên quan lĩnh vực chế biến nông - lâm - thủy sản, địa phương cho biết sẽ tiếp tục khuyến khích phát triển và mở rộng diện tích các vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa, nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch. Cụ thể là tại những xã, thị trấn có điều kiện mở rộng diện tích lớn gắn với các dự án đầu tư, kết hợp hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu để phát triển mạnh công nghiệp chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu.
Trong khi đó với ngành công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng vẫn tiếp tục duy trì việc khai thác, sản xuất, cung ứng vật liệu có chất lượng theo quy hoạch được duyệt. Bao gồm đất, đá, cát, sỏi, gạch cốt liệu, gạch xây không nung… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, nhà ở cũng như các công trình dân sinh khác của địa phương. Tuy nhiên việc khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản phải được quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu và bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở các khu vực lân cận… Tới đây, Hàm Thuận Bắc cũng quan tâm phối hợp các sở ngành liên quan đôn đốc chủ đầu tư sớm đưa dự án Nhà máy sản xuất dây khóa kéo (tại Cụm công nghiệp Hàm Đức) vào hoạt động, góp phần phát triển công nghiệp phụ trợ và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện. Đồng thời chủ động nghiên cứu và đề xuất ngành chức năng của tỉnh xem xét, phối hợp trong việc thu hút, mời gọi đầu tư vào Cụm công nghiệp Hàm Đức - giai đoạn 2, Cụm công nghiệp Phú Long… Qua đó hướng đến phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế về thị trường và sử dụng nhiều lao động như may mặc xuất khẩu, da giày, túi xách… nhằm tạo thêm việc làm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nguồn lực đầu tư
Để thu hút và khai thác có hiệu quả nguồn lực đầu tư, Hàm Thuận Bắc tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách của Chính phủ, UBND tỉnh về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Mặt khác thông qua việc phối hợp các sở, ngành của tỉnh, hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đến làm việc, tìm hiểu thông tin quy hoạch, đất đai, lao động, hạ tầng kỹ thuật… nhằm tiến tới đăng ký thực hiện dự án đầu tư phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện.