Theo dõi trên

Hàm Thuận Nam: Áp dụng tiến bộ khoa kỹ thuật trong chăn nuôi bò

14/03/2022, 06:02

Những năm gần đây, cùng với một số địa phương trong tỉnh, huyện Hàm Thuận Nam đã thực hiện chương trình cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống bò BBB (Blanc Bleu Belge). Qua đó, giúp người chăn nuôi hiểu biết và tiếp cận được với các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, góp phần cải tạo tầm vóc và khả năng sản xuất của đàn bò hiện nay.

Cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt

Huyện Hàm Thuận Nam có tổng đàn bò khoảng 14.500 con, trong đó bò cái sinh sản chiếm khoảng 30% (4.350 con). Thời gian qua, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện (trung tâm) đã đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa kỹ thuật vào chăn nuôi. Trong đó, chương trình cải tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo được Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai tại huyện bắt đầu từ năm 2003 (chủ yếu bằng nhóm bò Zêbu). Từ đó đến nay, bò được thụ tinh nhân tạo sinh ra bê có ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát triển tốt, được chọn làm bò cái nền để phối các giống bò chuyên thịt sau này. Đáng phấn khởi hơn, khi lợi ích thiết thực từ chương trình cải tạo đàn bò đã tác động đến suy nghĩ và cách làm của người chăn nuôi, được bà con chấp nhận áp dụng ở nhiều địa phương trong toàn huyện.

bo.jpg
Bò sinh sản tại Hàm Thuận Nam.

Theo ông Mai Thành Tiến - cán bộ kỹ thuật thuộc trung tâm, hiện nay 80% số lượng bò của toàn huyện đã được Zêbu hóa. Để nâng cao hơn nữa chất lượng và giá trị của sản phẩm trong chăn nuôi, từ năm 2019 đến nay Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo với giống bò BBB tại huyện Hàm Thuận Nam. Trong đó, mô hình cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt cao sản năm 2021 được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận thực hiện tại 3 xã Hàm Thạnh, Mương Mán và Hàm Cần với quy mô 24 con bò có chửa bằng tinh bò BBB. Tỷ lệ bò cái có chửa đạt bình quân 89,4%. Kết quả toàn huyện đã có tổng số bê con được sinh ra khoảng 1.400 con và 500 bò cái có chửa. Trong đó có 60% các giống bò siêu thịt (BBB, Angus, Charolais…) và 40% các giống thuộc nhóm Zêbu.

Nâng cao hiệu quả chăn nuôi

Theo đánh giá của trung tâm, qua thời gian trực tiếp thực hiện phối giống nhân tạo và theo dõi số bê con sinh ra cho thấy đặc điểm giống bò thịt F1 BBB có 3 màu lông cơ bản đen trắng, nâu trắng và đen, ngoại hình đẹp.

Ngoài ra, cơ bắp phát triển siêu trội, hiền lành, khả năng sử dụng thức ăn tốt nên tốc độ tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt thơm ngon.

Bê con khi sinh ra có trọng lượng 28 - 31 kg, khỏe mạnh, thích nghi với điều kiện môi trường sống. Riêng tốc độ tăng trọng của bê bình quân 20 - 25 kg/tháng tùy thời điểm. Bê dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh, sau cai sữa khoảng 4 tháng đạt trọng lượng từ 150 - 160 kg, từ 16 - 18 tháng tuổi trọng lượng bình quân từ 430 - 450 kg/con. Giá bán bê giai đoạn trên 6 tháng tuổi khoảng 20 - 25 triệu đồng/con, cao hơn so với bê lai thịt khác cùng tháng tuổi từ 6 - 10 triệu đồng/con.

Cũng theo ông Mai Thành Tiến, để bê lai F1 BBB sinh trưởng tốt nhất thì ngoài chế độ chăm sóc nuôi dưỡng tốt, người chăn nuôi phải bảo đảm định mức thức ăn qua từng giai đoạn, gồm mới sinh, nuôi bê theo mẹ, sau cai sữa mẹ và vỗ béo. Tuy nhiên, hiện nay do sự tác động của dịch bệnh, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng liên tục xảy ra trong nhiều năm liền đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người chăn nuôi bò. Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến giá bò thịt giảm mạnh, trong khi đó giá thức ăn hỗn hợp tăng cao gây khó khăn cho người chăn nuôi.

Chính vì vậy, đại diện trung tâm cho biết, để tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa kỹ thuật trong chăn nuôi bò, cần ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho bò cái trên địa bàn tỉnh nói chung và Hàm Thuận Nam nói riêng, đặc biệt các giống bò cao sản. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ cải thiện tầm vóc và khả năng sản xuất đàn bò tại địa phương trong điều kiện bãi chăn thả bị thu hẹp. Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền đưa các giống bò thịt chất lượng cao trên nền bò lai đã có, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Làm tốt việc phòng chống dịch, xây dựng vùng an toàn dịch, nhân rộng việc trồng cỏ, phương pháp dự trữ chủ động nguồn thức ăn thô trong mùa khô…

K.HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đặt hàng sản phẩm chế biến từ quả thanh long
Sở chức năng vừa thông báo đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ trong lẫn ngoài tỉnh đăng ký tham gia tuyển chọn thực hiện 11 đề tài Khoa học - Công nghệ cấp tỉnh năm 2022.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Nam: Áp dụng tiến bộ khoa kỹ thuật trong chăn nuôi bò