Theo dõi trên

Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân: Hướng tới phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả

19/09/2024, 09:16

Dù còn gặp khó khăn, song hầu hết các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Tính đến giữa năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận có 25 QTDND hiện diện tại 56 xã - phường - thị trấn, trong đó 18 QTDND tham gia hoạt động trên địa bàn liên xã. Đến nay, các QTDND đã thu hút gần 45.000 thành viên (tăng gần 580 thành viên so thời điểm cuối năm 2023), bao gồm hơn 39.120 thành viên cá nhân, gần 5.800 thành viên hộ gia đình và số ít là thành viên pháp nhân.

khach-hang-giao-dich-tai-quy-tin-dung-phu-long-ham-thuan-bac-anh-n.-lan-.jpg
khach-hang-giao-dich-tai-quy-tin-dung-ham-hiep-ham-thuan-bac-anh-n.-lan-.jpg
Hoạt động tại các QTDND trên địa bàn tỉnh (Ảnh minh họa: Ngọc Lân).

Thực hiện nhiệm vụ, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận cũng triển khai công tác quản lý nhà nước đối với hệ thống các QTDND trên địa bàn nhằm đảm bảo phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả. Theo đó đã bố trí, sắp xếp nhiều cán bộ theo dõi quản lý cũng như phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ hoạt động của QTDND, tăng cường đi cơ sở nắm bắt khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết đối với những kiến nghị thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận còn tiến hành thanh tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý vi phạm pháp luật, xử phạt vi phạm hành chính… hướng tới bảo đảm phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống QTDND. Qua đó bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng, góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, nâng cao lòng tin của công chúng đối với hệ thống QTDND trên địa bàn Bình Thuận.

Đối với các QTDND cũng luôn bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, vì vậy dù còn gặp khó khăn nhưng trong nửa đầu năm nay đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Như năng lực tài chính và năng lực quản trị, điều hành được tăng cường, nghiệp vụ QTDND từng bước đa dạng hóa, hoạt động kinh doanh tiếp tục phát triển ổn định, chỉ tiêu chất lượng tín dụng nhìn chung đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng cân đối nguồn vốn cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho tổ hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất - kinh doanh…

Tại địa phương, phát triển hoạt động QTDND theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Đại hội thành viên thông qua định hướng phát triển của QTDND, phương án kinh doanh, kế hoạch phát triển thành viên hàng năm… Tuy nhiên thực tế cho thấy, hoạt động của QTDND hiện vẫn còn mặt tồn tại, nhất là về sức cạnh tranh huy động vốn, cho vay và cung ứng các dịch vụ ngân hàng khác. Điều này được lý giải do các QTDND có quy mô hoạt động nhỏ, nguồn lực tài chính hạn chế và sản phẩm, dịch vụ cung cấp chủ yếu là dịch vụ truyền thống như huy động vốn, cho vay.

Thêm vào đó, việc thực hiện chuyển đổi số đối với hệ thống QTDND trên địa bàn Bình Thuận còn bất cập, chưa đáp ứng kịp thời theo yêu cầu quản lý của Ngân hàng Nhà nước và kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Nguyên nhân là vì đối tượng khách hàng của QTDND chủ yếu sinh sống ở nông thôn, khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ số nói chung, dịch vụ ngân hàng hiện đại, dịch vụ ngân hàng số nói riêng còn thấp. Mặt khác nhân lực có trình độ công nghệ thông tin của QTDND tại địa phương cũng hạn chế, hầu hết các đơn vị chưa có cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin…

Do vậy trong năm tới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận sẽ tập trung rà soát, củng cố, chấn chỉnh lại toàn bộ hệ thống QTDND nhằm đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả cũng như nâng cao năng lực quản trị điều hành ngang tầm với quy mô hoạt động. Song song với việc quan tâm khắc phục mặt tồn tại, hạn chế thì cũng tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống QTDND thông qua công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra. Thông qua đó góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cũng như không làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống QTDND nói riêng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Tiếp đó cũng triển khai cơ chế chính sách nhằm gắn kết trách nhiệm và quyền lợi giữa các thành viên của QTDND, liên kết giữa QTDND với Ngân hàng Hợp tác xã, Hiệp hội QTDND, Quỹ Bảo toàn để phát triển hệ thống QTDND. Hay như tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ khi có rủi ro thanh khoản, tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động giữa các QTDND trên địa bàn tỉnh…

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận, doanh thu bình quân của một Quỹ tín dụng trong nửa đầu năm 2024 là 7,3 tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch năm. Đồng thời có trên địa bàn toàn tỉnh có 24/25 QTDND tham gia hoạt động hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của Luật Hợp tác xã 2012…

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Vai trò của hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông thôn
Tại huyện Đức Linh, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã (HTX) đã kết nối các thành viên tự nguyện góp vốn và tư liệu sản xuất, cùng hợp tác kinh doanh. Mô hình này góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, và thúc đẩy phát triển nông thôn bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Nổi bật
Báo chí giải pháp: Giữ vững vị trí ngọn hải đăng
Hiện nay, khi xã hội và công chúng đặt yêu cầu nhiều hơn về vai trò, trách nhiệm của báo chí đối với đất nước, xã hội và cộng đồng, thì việc phát triển báo chí giải pháp là xu hướng tích cực, phù hợp với sự vận động của báo chí trong giai đoạn hiện nay… Tại chương trình Diễn đàn Tổng Biên tập 2024 với chủ đề: “Báo chí giải pháp: Hướng đi cho báo chí truyền thống?” vừa diễn ra vào chiều 21/9, tại TP. Phan Thiết đã một lần nữa khẳng định sự phát triển tất yếu của báo chí giải pháp.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân: Hướng tới phát triển ổn định, an toàn, hiệu quả