Theo dõi trên

Hiệp định EVFTA:

10/06/2020, 10:13

Cơ hội nào cho hàng hóa Bình Thuận?

BT - Quốc hội vừa thông qua nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA). Có thể nói đây là bước “mở đường” thuận lợi để hàng hóa nước ta, trong đó có Bình Thuận tiếp cận và đẩy mạnh xuất sang thị trường tiềm năng…

Thị trường lớn

Đến nay Liên minh châu Âu (EU) là 1 trong 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, hiện xếp sau Hoa Kỳ và nhỉnh hơn thị trường Trung Quốc. Với dân số hơn 400 triệu người cùng với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc mức cao trên thế giới, EU luôn được xem là thị trường xuất khẩu quan trọng của các nước có xuất khẩu. Đáng nói hơn, đây cũng là thị trường mà Việt Nam ở vị thế xuất siêu, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU, nên cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu còn rất lớn.

                
Bình Thuận cũng ốc lợi thế    về xuất khẩu giày dép (Ảnh minh họa).

Đối với xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Còn sau 7 năm kể từ khi hiệp định này có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, thì EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Như vậy có thể nói, gần như 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Lợi ích này càng đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay…

Nhiều thuận lợi

Bên cạnh những mặt hàng của khối doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài) như điện thoại, máy móc, máy vi tính thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cũng có thể đáp ứng nhiều mặt hàng quan trọng là dệt may, giày dép, túi xách, vali, thủy sản, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ…

Như hàng dệt may, EU là thị trường có quy mô lớn nhất về nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may, trong đó ngoài thương mại nội khối chiếm 40% thì lượng nhập khẩu còn lại đến từ các nước ngoài khối EU. Với mặt hàng này, Việt Nam mới chiếm thị phần khiêm tốn của thị trường EU, chỉ tương đương khoảng 2% lượng nhập khẩu từ ngoài khối (năm 2019 xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang EU đạt 4,3 tỷ USD, tăng 3,8% so năm trước đó). Theo cam kết Hiệp định EVFTA, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5 - 7 năm tới.

Hiện EU cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với ngành da giày của Việt Nam (sau thị trường Hoa Kỳ). Thuận lợi hơn, ngay khi áp dụng EVFTA, 37% các dòng thuế về da giày sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% và phần còn lại sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3 - 7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể.Trong đó áp mức thuế 0% ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực tập trung vào mặt hàng giày thể thao, giày vải, giày cao su và đây đều là các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam... Với lượng tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới, hàng năm EU nhập khẩu gần 9,3 triệu tấn và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản).

Ngoài ra, nước ta còn nhiều cơ hội về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU vì thị trường này có nhu cầu tiêu dùng lên đến 85 tỷ USD/năm, nhưng Việt Nam chỉ mới chiếm khoảng 1% thị phần. Hay như với rau quả, EU cam kết mở “rộng cửa” cho mặt hàng này trong EVFTA, cụ thể sẽ xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả. Đáng chú ý trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như trái vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa...

Cơ hội nào?

Đối với Bình Thuận, hiện EU là một trong những thị trường xuất khẩu hàng hóa chính của các doanh nghiệp địa phương và đóng góp khoảng 20% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh. Thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của địa phương được xác định tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính: Thủy sản, nông sản (chủ lực là sản phẩm thanh long) và hàng hóa khác (với 2 mặt hàng “đầu tàu” là dệt may và giày dép)... Thế nên khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, địa phương rất kỳ vọng hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn sẽ khởi sắc, bù đắp lại những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra trong nửa đầu năm 2020.

Tuy nhiên, việc thực thi hiệp định cũng đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp Bình Thuận từ việc đáp ứng quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn môi trường cho tới chất lượng sản phẩm đều phải tuân thủ nghiêm ngặt. Do đó để tận dụng hiệu quả cơ hội, ứng phó thách thức đi kèm với EVFTA thì trước mắt cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp nhận thức đầy đủ những quy định, cam kết… Đặc biệt là về cơ hội và thách thức từ EVFTA, cách thức tận dụng các cam kết EVFTA trong hoạt động kinh doanh phù hợp với đặc thù, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vì vậy tới đây, địa phương sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU, nhất là với những mặt hàng có lợi thế xuất khẩu của Bình Thuận như: Thủy sản, may mặc, giày dép, nông lâm sản… Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu sang thị trường EU và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị gắn với áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp. Song song đó, tăng cường quản lý chất lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ khâu sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến, đóng gói đảm bảo an toàn thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh bị cấm… Có như thế, hàng hóa của Bình Thuận mới đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt khi xuất khẩu sang thị trường EU.

 QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Bình Thuận và tiềm năng khai thác carbon rừng
Bình Thuận với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn, việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh, để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây cũng là một bước ngoặt, làm tiền đề cho việc khai thác tiềm năng nguồn tài nguyên carbon.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệp định EVFTA: