Theo dõi trên

Hiệu quả từ mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”

12/07/2023, 06:03

Nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm và thói quen sử dụng túi ni- lon, các sản phẩm nhựa dùng một lần của các tiểu thương, người tiêu dùng, Tỉnh đoàn đã triển khai hơn 250 đội hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” ở các huyện, thị, thành.

Túi ni lon đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi ni lon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi. Thế nhưng ít ai để ý đến tác hại lâu dài mà túi ni lon mang lại cho môi trường bởi tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi ni lon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 - 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi ni lon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người.

cho-dan-sinh-la-gi.jpg
Đoàn viên, thanh niên thị xã La Gi tặng  túi giấy thân thiện môi trường  cho tiểu thương chợ  Bình An.

Với phương châm “Vì một Việt Nam xanh - sạch - đẹp”, chung tay hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”, “nói không với túi ni lon và sản phẩm từ nhựa sử dụng 1 lần”, Tỉnh đoàn đã triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”. Sau gần 3 năm triển khai, tính đến nay các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thành lập hơn 250 đội hình tình nguyện với hơn 600 đoàn viên thanh niên tham gia. Các đội hình được chia thành nhiều nhóm nhỏ khác nhau thực hiện các công việc tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa cho các tiểu thương, người mua hàng. Cụ thể hướng dẫn, vận động người dân đi mua sắm tại chợ thay đổi thói quen sử dụng túi nhựa và túi ni-lon, bằng cách mang theo giỏ, hộp đựng dùng nhiều lần; túi giấy và túi nilon dễ phân hủy… Các tiểu thương buôn bán tại chợ thì chủ động sử dụng lá chuối, báo, túi giấy để gói, các sản phẩm. Đồng thời, phát tặng túi vải cho người dân tham gia mua bán tại chợ, phát khẩu trang y tế cho người dân...

Trước đây khi đi chợ, chị Trần Thị Thảo (Phú Thủy) thường xuyên sử dụng túi ni-lon để đựng thực phẩm, rau quả vì nó tiện lợi, nhanh gọn. Nhưng sau khi được tuyên truyền về tác hại của túi ni- lon, chị đã chuyển sang dùng giỏ nhựa để đi chợ và hạn chế sử dụng túi ni-lon một cách tối đa nhất. Chị Thảo chia sẻ: “Đã từng được nghe đến tác hại của túi ni- lon và các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, ly nhựa, hộp xốp… khi thải ra môi trường là khó phân hủy, chứ tôi chưa biết những đồ dùng này chủ yếu được tái chế từ sản phẩm nhựa đã qua sử dụng và khi sử dụng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Chỉ khi được nghe các bạn đoàn viên, thanh niên tuyên truyền, tôi mới hiểu rõ hơn về tác hại của túi ni- lon”.

cho-dan-sinh-phu-quy.jpg
Người dân huyện đảo Phú Quý tham gia đổi vỏ chai nhựa, pin cũ  lấy cây xanh hoặc  tập vở, truyện tranh...

Được biết, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thường xuyên triển khai mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”. Điển hình như mới đây, Huyện đoàn Phú Quý đã tổ chức chương trình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa - Đổi chai nhựa lấy cây xanh”. Tại chương trình đã đổi chai nhựa, pin đã qua sử dụng lấy túi xách thân thiện môi trường, vở trắng, truyện tranh, cây xanh. Kết quả đã đổi được hơn 200 tập sách vở, 100 túi xách thân thiện môi trường và hơn 200 cây xanh, qua đó thu gom được hàng ngàn chai nhựa và hơn 100 cục pin cũ. Tại thị xã La Gi, hưởng ứng phong trào “Đi chợ không dùng túi ni-lon”, Thị đoàn đã tuyên truyền về tác hại của túi ni-lon, đồ nhựa dùng 1 lần đối với môi trường. Đồng thời, trao tặng 30 giỏ nhựa và 60 hộp nhựa đựng thực phẩm cho người dân đi chợ và tặng 60 túi giấy cho tiểu thương tại chợ Bình An (xã Tân Bình)…

Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, trong thời gian tới, các cấp bộ Đoàn sẽ tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình này để hành động chống rác thải nhựa sẽ nhanh chóng tạo được sự lan tỏa rộng rãi tại các cơ sở, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân, đoàn viên thanh niên trong việc bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp.

NGỌC HÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường
BTO-Đó là một trong những lưu ý của Bí thư Thành ủy Phan Thiết Phạm Văn Nam tại Hội nghị sơ kết 2,5 năm thực hiện Chỉ thị số 31 của Thành ủy và Kế hoạch số 6050 của UBND thành phố thực hiện Cuộc vận động: “Người dân Phan Thiết không xả rác thải, nước thải, chất thải ra đường phố và khu vực công cộng” tổ chức vào chiều 23/5.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu quả từ mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”