Chưa được tích nước
Đang giữa tháng 10 nhưng vùng núi Phan Lâm, Phan Sơn của Bắc Bình đã có không khí lạnh tràn về. Điều này báo hiệu sẽ không còn nhiều mưa, dù nơi đây mùa mưa thường kết thúc vào 30/11 hàng năm. Theo cảm nhận của người dân trong vùng, năm nay lượng mưa ở 2 xã chỉ bằng 70% so năm ngoái. Tính ra, chỉ có 3 cơn mưa lớn rải từ tháng 4, 6 và 7. Còn lại có mưa nhưng không tích tụ nước ở sông suối. Vì vậy, hồ Sông Lũy, vốn nhận nước từ hồ Đại Ninh, nằm kề QL 28B nhưng chưa ai thấy hình ảnh hỗn độn của nước mùa mưa. Lý do, một phần vì lượng mưa năm nay ít; phần khác vì hồ không được tích nước.
Đây là câu chuyện dài, vì đến nay, tất cả đều đang trong quá trình bàn giao công trình giữa chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 (Ban 7) và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận (Công ty Thủy lợi). Hồ Sông Lũy có tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, tổng dung tích thiết kế gần 100 triệu m3 được khởi công vào tháng 2/2019. Vào khoảng cuối mùa mưa năm ngoái, khi phần đầu mối đã thi công hoàn thành, công tác giải phóng đền bù trong lòng hồ đã đến cao trình +126 m, hồ đã có thể tích nước ban đầu trong chừng mực có thể phục vụ sản xuất và chuẩn bị bàn giao để đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chuyến tích nước lần đầu mang tính thử nghiệm ấy chưa mang lại hiệu quả, vì các công trình thủy lợi liên quan như hồ Đại Ninh, hồ Cà Giây đều chưa đầy và dung tích nước có được mang tính như san sẻ lượng nước của các hồ trên, chứ chưa đúng nghĩa là một “kho nước” vốn là sứ mệnh của hồ Sông Lũy. Vì vậy, vụ đông xuân năm ngoái, diện tích thanh long của 2 huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc bị giảm tưới, do Công ty Thủy lợi dành nước để tưới lúa đông xuân. Lý do cũng xuất phát bởi tích nước muộn. Trong gần 1 năm trôi qua, UBND tỉnh đã ban hành Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Sông Lũy. Theo đó, Ban 7 vẫn đang căn cứ tại khoản 2, Điều 7 của quy trình nên hồ Sông Lũy chỉ duy trì tích nước ở cao trình +121.20 m, tức ở khoảng 15 triệu m3 nước, chiếm 15% dung tích thiết kế, vì nhiều lý do, trong đó có lý do đền bù.
Mong mưa trong mùa mưa
Bây giờ đã giữa tháng 10, dung tích nước hồ Sông Lũy vẫn đang ở 15 triệu m3; hồ thủy điện Đại Ninh có lượng nước đang xấp xỉ 50% dung tích thiết kế. Còn hồ Cà Giây có dung tích hơn 20 triệu m3. Nếu so với năm ngoái, với “kho nước” hồ Sông Lũy như hiện tại, trong hoàn cảnh tiếp tục tích nước muộn, dự báo sẽ không bảo đảm cho sản xuất sắp tới, nhất là khi phụ thuộc nhiều vào nguồn nước xả của thủy điện Đại Ninh. Đó là lý do, cách đây vài ngày, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi có công văn đề nghị tích nước hồ Sông Lũy phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2022 và những tháng mùa khô năm 2023.
Theo nội dung công văn cho thấy, hiện nay công ty đang cấp nước vụ mùa 2022 của huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc là 28.593 ha (lúa 15.722 ha, thanh long 12.871 ha). Đồng thời theo kế hoạch sản xuất năm 2023 tại Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 26/8/2022, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân năm 2022- 2023 của 2 huyện là 28.341 ha (lúa 15.912 ha, thanh long 12.429 ha). Nguồn nước tưới cho phần diện tích vốn chiếm 53% diện tích tưới trong công trình thủy lợi toàn tỉnh này, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước của hồ thủy điện Đại Ninh và các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn 2 huyện. Từ kết quả tính toán nhu cầu dùng nước, sau khi kết thúc cấp nước vụ mùa 2022, để bảo đảm nguồn nước tưới vụ đông xuân 2022-2023 cho phần diện tích trên, và nước cấp sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn 2 huyện đến 30/6/2023 thì cần bổ sung thêm nguồn nước của hồ Sông Lũy khoảng 45 triệu m3, tương ứng cao trình mực nước: + 125.20m.
Điều đó có nghĩa ngay từ bây giờ, trong tháng 10/2022 này cần tích nước kịp thời hồ Sông Lũy. Vì theo thông tin từ UBND huyện Bắc Bình, đến thời điểm này, huyện đã giải ngân tiền đền bù hồ Sông Lũy giai đoạn 2 của 207 hộ/182,17 tỷ đồng/190 tỷ đồng đạt tỷ lệ 95,9%. Trong đó giải ngân trong năm 2022 là 87,17 tỷ đồng/110 tỷ đồng, đạt 79,2%. Còn lại, hồ sơ đang công khai phương án bồi thường là 5 hộ/6,15 ha; hồ sơ chuẩn bị thông qua Hội đồng bồi thường huyện là 5 hộ/2,57 ha. 10 hộ còn lại này có đất nằm tương ứng ở cao trình mực nước + 129-130m nên theo kế hoạch nếu tháng 10 tích nước đến cao trình + 125.20m như tại công văn của Công ty Thủy lợi thì không bị ảnh hưởng gì. Vì dù gì, theo trình tự thủ tục đến ngày 15/11 mới bồi thường xong 10 hộ này.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận cho biết, ngày 18/10, sở sẽ họp với các phòng, ban, đơn vị có liên quan, cùng Ban 7 để bàn và thống nhất tích nước hồ Sông Lũy sớm nhất có thể.