Theo dõi trên

Hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi

15/05/2023, 05:33

Trong thời gian qua, việc chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của các hộ dân xung quanh được cử tri kiến nghị nhiều lần. Do đó, việc di dời các cơ sở chăn nuôi có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi (và chấm dứt hoạt động) nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện môi trường sống cho người dân là cần thiết.

Tuy nhiên, việc di dời và chấm dứt hoạt động của các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi sẽ tốn nhiều kinh phí. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để tạo điều kiện giúp người dân di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo đúng quy định. Đây cũng chính là cơ sở để HĐND tỉnh thống nhất thông qua, ban hành Nghị quyết “Quy định vùng nuôi chim yến; khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác, chính sách hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” tại kỳ họp thứ 14 – HĐND tỉnh khóa XI diễn ra ngày 9/5 vừa qua. Chính sách này được xem là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hạn chế các tác động tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ môi trường trong khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư.

z4204394215166_c467d87c3c7148b98e87068d4ded0518.jpg
Cơ sở chăn nuôi gia súc tại Bình Thuận.

Theo đó, nghị quyết này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi chim yến, gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, không áp dụng đối với trường hợp nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường. Chính sách hỗ trợ khi chấm dứt hoạt động hoặc di dời cơ sở chăn nuôi (không bao gồm cơ sở nuôi chim yến) được thực hiện theo nguyên tắc: Mỗi cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng điều chỉnh của nghị quyết này chỉ được hỗ trợ một lần. Hỗ trợ được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc sau khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực đến trước ngày 1/1/2025. Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi được hưởng chính sách hỗ trợ di dời hoặc chấm dứt hoạt động đáp ứng các yêu cầu: Cơ sở chăn nuôi có quy mô chăn nuôi từ 1 đơn vị vật nuôi trở lên (số đầu con gia súc, gia cầm trên đơn vị vật nuôi áp dụng theo Phụ lục V Hệ số đơn vị vật nuôi và công thức chuyển đổi theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP) đang hoạt động trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành trong khu vực không được phép chăn nuôi. Thực hiện việc di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc chấm dứt chăn nuôi (không di dời) trước ngày 1/1/2025.

Về nội dung và mức hỗ trợ khi các cơ sở chăn nuôi di dời khỏi khu vực không được phép chăn nuôi: Đối với cơ sở chăn nuôi mà chuồng trại tường xây gạch, nền bê tông hoặc láng xi măng, mái lợp tôn hoặc ngói sau khi thực hiện di dời được hỗ trợ 200.000 đồng/m2 sàn chuồng trại tại thời điểm thực hiện di dời, nhưng không quá 200 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi. Đối với cơ sở chăn nuôi mà chuồng trại làm bằng khung gỗ, nền đất, mái lợp tôn hoặc che lát vật liệu tạm sau khi thực hiện di dời được hỗ trợ 100.000 đồng/m2 sàn chuồng trại tại thời điểm thực hiện di dời, nhưng không quá 100 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi.

Nội dung và mức hỗ trợ khi các cơ sở chăn nuôi chấm dứt hoạt động (không di dời): Các cơ sở chăn nuôi khi chấm dứt hoạt động chăn nuôi (không di dời) trước ngày 1/1/2025 được hỗ trợ ổn định đời sống trong thời gian 6 tháng. Mức hỗ trợ cụ thể: Cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 1 đơn vị vật nuôi đến dưới 5 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ số tiền 2.340.000 đồng/cơ sở chăn nuôi. Cơ sở chăn nuôi có quy mô từ 5 đơn vị vật nuôi đến dưới 10 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ số tiền 3.510.000 đồng/cơ sở chăn nuôi. Cơ sở chăn nuôi có quy mô trên 10 đơn vị vật nuôi được hỗ trợ số tiền 4.680.000 đồng/cơ sở chăn nuôi. Kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách từ nguồn ngân sách các huyện, thị xã, thành phố theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành.

K.HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Tập trung phát triển chăn nuôi sau tết
Ngay sau tết, người chăn nuôi trong tỉnh bắt tay vào tái đàn duy trì quy mô chăn nuôi, ổn định sản xuất và cung cấp nguồn thực phẩm ra thị trường. Việc tái đàn cần chú trọng phòng, chống dịch bệnh.
Nổi bật
Giao thông “mở lối” cho người nghèo
Phần lớn các xã trong huyện Hàm Thuận Nam đều đạt chuẩn tiêu chí về giao thông, trong khi các tiêu chí khác về hạ tầng như trường học, nước sinh hoạt …đang cần thêm thời gian cho đầu tư hoàn thiện. Vì thế, có thể nói ở góc độ nào đó, giao thông tạo điều kiện cho các hạ tầng khác xuất hiện, mang tính như hạ tầng nền.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ di dời và chấm dứt hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi