Theo dõi trên

Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh Bình Thuận lần thứ X, giai đoạn 2017 - 2022: Những gương sáng nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi

28/09/2022, 05:50

Những năm trở lại đây, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” (gọi tắt là phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi) được các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh phát triển, lan tỏa và nhân rộng. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương sáng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo nên hình ảnh đẹp của người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nông dân Mã Châu Xa – Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp

Xuất thân từ một nông dân nghèo khó nhưng không cam chịu cảnh đói nghèo, để con thất học, ông Mã Châu Xa (thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc) luôn nghĩ muốn vươn lên không cách nào khác là phải đổi mới cách làm, áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp. Nghĩ là làm, ông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua máy xay xát lúa phục vụ cho gia đình và người dân địa phương. Sau thời gian ngắn, ông mua thêm máy xới và máy cày phục vụ cho nông nghiệp nên đã giúp gia đình ông có thu nhập ổn định và ngày càng phát triển.

ong-ma-chau-xa.jpg
Ông Mã Châu Xa mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp.

Dẫn chúng tôi băng qua những ruộng lúa đang chờ thu hoạch báo hiệu bội thu của gia đình, ông Xa chia sẻ: “Sau khi được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân và Câu lạc bộ Khuyến nông tổ chức, tôi đã áp dụng và có hiệu quả trong sản xuất. Đến nay, gia đình tôi tập trung canh tác 3,5 ha ruộng chất lượng cao, cung ứng lúa giống theo đặt hàng của đối tác, cùng với đàn bò, trâu gần 15 con và trồng thêm 1,5 sào cỏ để phục vụ chăn nuôi, 300 cây mít đang phát triển tốt. Với mô hình trồng trọt kết hợp với chăn nuôi và làm dịch vụ, mỗi năm tôi thu lợi nhuận đạt hơn 1 tỷ đồng và tạo việc làm cho trên chục lao động tại địa phương”.

Không chỉ chịu khó học hỏi, mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh, ông Mã Châu Xa còn tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, sẵn lòng hiến đất và đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và tu sửa lăng, chùa của đồng bào Chăm…

Càng thú vị hơn khi đến thăm nhà của ông, chúng tôi được thấy ông biểu diễn những nhạc cụ dân tộc của đồng bào Chăm, ông Xa tự hào chia sẻ thêm: “Với mong muốn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng người Chăm trên quê hương Bình Thuận, tôi đã học hỏi chế tác và sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc Chăm. Bên cạnh đó, tôi cũng truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò về cách thức làm và chơi trống Ghinăng, Paranưng, kèn Saranai, đàn Kanhi, Chiêng… những nhạc cụ sử dụng phổ biến vào các dịp lễ hội của đồng bào người Chăm”.

Với những đóng góp của mình, ông Mã Châu Xa đã được Trung ương Hội nông dân Việt Nam vinh danh, tặng bằng khen nông dân sản xuất kinh doanh giỏi 5 năm, giai đoạn 2017 - 2022.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hiền - Xuất khẩu nông sản tiêu biểu ở huyện Hàm Tân

Khởi nghiệp từ năm 1999 ở độ tuổi 20, chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân bắt đầu với 0,5 ha đất và 30 triệu đồng từ gia đình hỗ trợ cùng nhiều công việc đã làm, từ chở thuê nông sản, mua bán củ mì tươi, hạt điều, chở vật liệu xây dựng… đến trồng thanh long, nuôi chim bồ câu thịt, nuôi cá trê lai. Qua gần 23 năm cần cù lao động, nhờ nhạy bén trong kinh doanh, luôn đặt chữ tín và chất lượng lên hàng đầu, gia đình chị đã có cơ ngơi vững vàng với thu nhập bình quân hàng năm 2,5 tỷ đồng.

chi-nguyen-thi-hien.jpg
Nhà xưởng thu mua, sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu của gia đình chị Nguyễn Thị Hiền đã tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương.

Đến cơ sở thu mua thanh long của gia đình chị Hiền đúng lúc vào mùa vụ nên công nhân rộn ràng các công đoạn sơ chế, đóng gói. Dẫn chúng tôi đi tham quan dây chuyền sơ chế, đóng gói thanh long xuất khẩu, chị Hiền cho biết hiện gia đình chị có 2 nhà xưởng thu mua, sơ chế đóng gói thanh long xuất khẩu với sản lượng hàng trăm tấn mỗi tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 50 lao động thời vụ và 60 lao động thường xuyên. Bên cạnh đó, chị còn liên kết với doanh nghiệp ở tỉnh Đồng Nai sản xuất hạt điều rang muối; mở cửa tiệm gara ô tô và trồng thêm 25 ha cây cảnh và gỗ cẩm, hương.

Chị Hiền chia sẻ, đi lên từ hoàn cảnh khó khăn nên chị luôn thấu hiểu nỗi khổ, vất vả của người nông dân nên bên cạnh thu mua giá thanh long ổn định cho nông dân, chị Hiền đã tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội tại địa phương. Chị đã hỗ trợ 100 triệu đồng, 2.500 m3 đất, đá sỏi và tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nội đồng, giao thông trên địa bàn dân cư. Cùng với đó, hàng năm chị còn hỗ trợ nhiều hộ dân neo đơn nghèo khó, trẻ em vượt khó học giỏi, động viên về vật chất và tinh thần để họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Hiền đã có hơn 10 năm được vinh danh nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và tỉnh; đồng thời là nữ duy nhất trong số 4 người trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được Trung ương Hội nông dân Việt Nam vinh danh sản xuất - kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 – 2022.

Nông dân Nguyễn Văn Ẩn - Giữ vững mô hình sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP

Bén duyên cây thanh long từ năm 1998 với số lượng ban đầu chỉ 500 trụ, đến nay sau hơn 20 năm, vườn thanh long của ông Nguyễn Văn Ẩn ở thôn Phú Phong, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam đã lên đến 4 ngàn trụ. Mỗi năm, với hai đợt chong đèn vụ nghịch và ba lứa thu hoạch chính vụ, giúp ông có nguồn thu hơn 1,5 tỷ đồng.

ong-nguyen-van-an.jpg
Ông Nguyễn Văn Ẩn luôn duy trì và giữ vững mô hình sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hơn 20 năm gắn bó với thanh long, có những lúc thăng trầm gặp phải giá cả ở mức thấp, nhưng ông Ẩn chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ. Ông tâm sự: Với tâm niệm làm ra nông sản an toàn, chất lượng hướng đến xuất khẩu bền vững, trong quá trình sản xuất trái thanh long, tôi đều tuân thủ các quy định về chất lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy gặp nhiều khó khăn vì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi quy trình khắt khe hơn mà giá bán không ổn định nhưng gia đình tôi vẫn tiếp tục duy trì và giữ vững mô hình sản xuất trái thanh long xuất khẩu theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Xác định đây là nguồn thu nhập ổn định của gia đình.

Nhìn vườn thanh long được chăm sóc áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP đang phát triển tươi tốt, chúng tôi càng thấy được sự quyết tâm sản xuất theo hướng nông sản sạch, bảo vệ môi trường của ông Ẩn. Ngoài việc chăm sóc vườn thanh long gia đình, ông còn tích cực tuyên truyền mô hình sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đến rộng rãi bà con nông dân và là Tổ trưởng tổ sản xuất thanh long VietGAP thôn Phú Phong với 12 thành viên tham gia canh tác khoảng 30 ha. Bên cạnh đó, ông Ẩn còn là hội viên tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, đã hiến hơn 100 m đất trong khu dân cư để làm đường giao thông nông thôn và lắp đặt ánh sáng an ninh cũng như tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện ở địa phương. Từ năm 2017 đến nay, gia đình ông Ẩn luôn được bình xét là hộ nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Cùng với chị Hiền, ông Xa, ông Ẩn, hàng chục ngàn tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh các cấp đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và mức sống nông dân. Qua đó, giúp người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, làm giàu cho bản thân, cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương.

NGỌC HÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam kiểm tra giám sát về công tác Hội và phong trào nông dân tại Bình Thuận
BTO-Chiều 8/9, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Hội nông dân tỉnh Bình Thuận về công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị tổng kết phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tỉnh Bình Thuận lần thứ X, giai đoạn 2017 - 2022: Những gương sáng nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi