Theo dõi trên

Hội nghị trực tuyến với các địa phương quy định về đất trồng lúa

01/07/2024, 14:45

BTO-Sáng 1/7 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến với các tỉnh, thành phố về Nghị định quy định về đất trồng lúa. Tại đầu cầu tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì, cùng đại diện một số sở, ban, ngành liên quan.

Nghị định này quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; sử dụng một phần diện tích đất trồng lúa để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng các công trình trên đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa; nộp tiền để bảo vệ phát triển đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ phát triển đất trồng lúa. Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân sử dụng đất trồng lúa và các đối tượng khác có liên quan.

a316f4fa0391a1cff880.jpg
Hội nghị tại điểm cầu Bình Thuận.

Theo nội dung dự thảo lần 3 của Nghị định quy định về đất trồng lúa, tiêu chí xác định vùng đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế chuyển đổi là đất thuộc vùng, khu vực đất chuyên trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; có hệ thống thủy lợi, đê điều, giao thông nội đồng hoàn chỉnh; là khu vực liền vùng, liền thửa thuận lợi cho sản xuất tập trung; ít nguy cơ nhiễm mặn, nhiễm phèn.

Quy định về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi, công trình đê điều, công trình phục vụ trực tiếp sản xuất lúa. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản thì được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định loại cây trồng lâu năm được chuyển đổi, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhưng không làm mất đi các điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại…

z5464348935955_1311eb6806582dab36538d853cd2f478.jpg
Đất trồng lúa tại Bình Thuận.

Tại hội nghị, các bộ, ban, ngành và các địa phương tập trung thảo luận về dự thảo nghị định. Trong đó, một số địa phương đề nghị bổ sung một số từ ngữ. Đồng thời đề nghị các bộ ngành liên quan rà lại nghị định phải thể chế hóa, liên quan quản lý nhà nước, cơ chế chính sách, tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Mặt khác cho rằng, việc bổ sung đối tượng người sử dụng đất, điều kiện, tiêu chí chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tiêu chí xác định đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế chuyển đổi; xác định quy hoạch vùng đất trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; quy định, tiêu chí kỹ thuật đối với công trình xây dựng phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên đồng trồng lúa; chính sách hỗ trợ và bảo vệ đất trồng lúa…

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đóng góp ý kiến. Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, tổng hợp, hoàn thiện các dự thảo nghị định bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, phù hợp, đúng thời gian quy định. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT tham vấn với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các cơ chế, chính sách để nâng cao năng suất đối với diện tích đất trồng lúa. Đồng thời, xây dựng quy hoạch các vùng trồng lúa năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an ninh lương thực…

K. HẰNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sản xuất lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học
Mô hình sản xuất lúa ST25 theo hướng an toàn sinh học áp dụng mật độ sạ hợp lý, chỉ sử dụng thuốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại khi thật sự cần thiết. Đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ và giảm lượng phân bón hoá học nên ít độc hại môi trường đất, thân thiện với môi trường. Gạo thu được đảm bảo an toàn và chất lượng phù hợp với định hướng phát triển của ngành nông nghiệp.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị trực tuyến với các địa phương quy định về đất trồng lúa