Từng là hộ nghèo ở thôn 3, đến năm 2023, chị Nguyễn Thị Liên (xã Hồng Sơn) đã vươn lên trở thành hộ cận nghèo và sắp tới sẽ thoát hẳn. Hoàn cảnh một mình gồng gánh nuôi hai con đang học nghề, chồng sức khỏe yếu, chị Liên là một trong những hộ nhận được sự quan tâm của Hội Phụ nữ xã, tạo điều kiện hướng dẫn vay vốn ngân hàng phát triển kinh tế gia đình, hướng đến liên kết phát triển theo mô hình kinh tế tập thể. Từ nguồn vốn 50 triệu đồng, chị đầu tư mua 2 con bò sinh sản và tiền phân, giống để luân phiên trồng dưa leo, khoai lang lấy củ. Cứ xoay vòng như vậy, sau 5 năm chị đã trả hết nợ, kinh tế cũng bắt đầu ổn định. Hiện trên diện tích 3,4 sào đất chủ động nguồn nước, chị đang kết hợp trồng các loại cây ăn trái, dưa leo và tiếp tục vay mượn đầu tư trồng 1 ha điều.
Hỗ trợ sinh kế là vấn đề cốt lõi, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính bền vững của công tác giảm nghèo. Không chỉ chị Liên mà với sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Phụ nữ, nhiều chị em trên địa bàn xã Hồng Sơn đã tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, phát huy kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng vào thực tế sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Lê Thị Thanh Vân – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Sơn cho biết: Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tuyên truyền, vận động phụ nữ chuyển đổi hành vi, thay đổi tư duy trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích liên kết xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp đang là thế mạnh ở địa phương như dừa, thanh long, rau xanh...Đồng thời thực hiện các mô hình tiết kiệm, phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, xây dựng văn hóa tiết kiệm trong mỗi gia đình. Qua rà soát, đầu năm 2024, Hội đã đăng ký giúp 5 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều bằng hình thức giúp vay vốn chăn nuôi bò.
Đến nay, tổng số vốn của các ngân hàng do Hội phụ nữ quản lý gần 35 tỷ đồng với 639 thành viên và duy trì 2 tổ tiết kiệm xoay vòng với 179 chị tham gia. Thông qua các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp chị em mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, chủ động làm kinh tế. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên gặp gỡ, động viên các hộ nghèo, khó khó khăn do phụ nữ làm chủ và phối hợp với Hội Nông xã mời các chị tham gia lớp tập huấn chăn nuôi bò, trồng rau an toàn, học nghề nấu ăn. Đây sẽ là cơ sở để xây dựng các mô hình kinh tế tập thể tạo việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu đi đôi với xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp và nông hôn.
Mỗi người, mỗi gia đình có một số phận, một hoàn cảnh khác nhau song điểm chung ở tất cả mọi người đó chính là ý chí quyết tâm thoát nghèo và niềm hy vọng sẽ có tương lai tốt đẹp hơn từ sự nỗ lực của bản thân. Với sự đồng hành, giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, chính quyền địa phương và toàn xã hội, hy vọng 62 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ ở Hồng Sơn sẽ trở thành những hộ khá, hộ giàu trong một ngày không xa.