Theo dõi trên

Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Bắc Bình (1/6/1983 - 1/6/2023): Xây dựng nông thôn mới từ phát triển 3 trụ cột kinh tế

16/03/2023, 05:31

Động thái này đang tiến gần đến tương lai mở ra tuyến đường “thần thánh”, mở ra thương mại, dịch vụ và mở ra cả du lịch, khi hồ Sông Lũy hiện đang thu hút du khách gần xa tìm đến ngắm cảnh.

Tạo dựng trụ đỡ

Dạo quanh mấy cánh đồng ở Bắc Bình vào thời điểm này đã thấy lúa đông xuân đang giai đoạn chín, vàng ươm một vùng; những ruộng sen đang nở hoa, khoe sắc; những vườn thanh long đang được chăm chút trở lại… Tháng 3, giá thanh long tiếp tục đứng ở mức cao và giá các loài cây trái khác có ở Bắc Bình như bưởi, xoài… cũng thế, sau động thái gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm Covid-19 tại cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Thêm nữa, phần lớn giá cả các loại vật tư nông nghiệp đã dần ổn định, có loại phân bón đã giảm từ 20 - 40% giá so với thời điểm trước tết khiến vùng nông nghiệp Bắc Bình vừa trải qua “khoảng lặng” những tháng qua, giờ đã nhộn nhịp hơn. Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bình cho thấy, vụ đông xuân 2022- 2023, diện tích chuyển đổi, sản xuất giống lúa mới như Đài Thơm 8, An Sinh 1399, Lộc Trời 28, OM84, ST24, ST25, BDR57… đã lên 6.540 ha/11.889 ha diện tích gieo trồng. Bên cạnh đó, diện tích thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm trên 1.277 ha. Trong đó, liên kết chuỗi trong sản xuất lúa đạt 1.050 ha, gồm thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ đất lúa theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ là 272 ha; các hợp tác xã nông nghiệp, hộ dân tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đơn vị là 778 ha và liên kết chuỗi trong các loại cây trồng khác như thanh long, bạc hà, dưa lưới, xoài, bưởi… đạt 227 ha.

bac-binh-1.jpg
Cánh đồng lúa và vườn thanh long ở xã Phan Thanh, Bắc Bình. Ảnh: Đình Hòa

Sau bao biến động về chi phí đầu tư lẫn thị trường nhiều tháng trong năm 2022 nhưng những liên kết ấy vẫn tiếp tục vào đầu năm 2023 này là một sự nỗ lực của các bên liên quan cũng như thể hiện sự dẻo dai trong ý chí của nông dân nơi đây. Trong phát triển nông nghiệp luôn chứa đựng rủi ro cao và ở Bắc Bình, nơi vốn thuộc vùng khô hạn nhất nhì của cả nước đã cho thấy rất rõ điều đó. Nhớ lại thời điểm 40 năm trước, khi thủy lợi chỉ dừng ở ước mơ, năng suất lúa không thể cao thì nông dân Bắc Bình, sau bao cố gắng trong thâm canh, ứng dụng cơ giới hóa, làm phân xanh, đã đạt điều đó. Đó là năm 1984, sản lượng lúa toàn huyện đạt 32.000 tấn, đưa 4 xã và 17 hợp tác xã nông nghiệp của huyện được gia nhập vào câu lạc bộ nông nghiệp 8 - 10 tấn, được UBND tỉnh đề nghị Trung ương tặng bằng khen. Thành tích khi ấy như chứng minh thêm cho những đổi thay của nông nghiệp Bắc Bình trong những năm qua, khi nơi đây được Trung ương, tỉnh quan tâm xây dựng các hồ chứa, các tuyến kênh cấp nước, tiếp nước, hệ thống tưới. Nhờ vậy, Bắc Bình từ chỗ thiếu nước, đã thành nơi chuyển nước đến các huyện khác và thủy lợi đã phủ cơ bản các cánh đồng trên địa bàn huyện. Từ đó, không chỉ sản xuất 3 vụ trên 9.500 ha cùng hành trình mở rộng diện tích thay giống mới và phương thức canh tác tiên tiến, đi kèm với liên kết chuỗi; nông dân còn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả một cách quyết liệt. Đơn giản vì điều đó giúp họ có thu nhập cao hơn trước, là đổi đời. Vì thế, cây ăn trái, cây màu, cây dược liệu… xuất hiện đa dạng và tăng nhanh diện tích theo thời gian, đồng thời diện tích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ cao lên 5.118 ha. Theo đó, chăn nuôi cũng tăng đàn nhanh chóng, dịch vụ, thương mại cũng xôm tụ lên. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người ở Bắc Bình cứ tăng từ 2 - 3 triệu đồng/ năm. Nếu năm 2015 là 29,69 triệu đồng/người thì năm 2022 đã lên 45,108 triệu đồng/người. Chính nhờ phát triển nông nghiệp, Bắc Bình đã tạo dựng 1 trụ đỡ như thế cho xây dựng nông thôn mới những năm qua.

Hình thành 2 trụ đỡ khác

Kết năm 2022, Bắc Bình có thêm Hồng Phong, xã thuộc vùng khu Lê và cũng là vùng hội tụ 3 trụ cột kinh tế gồm du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp điện đã về đích xã nông thôn mới. Từ đây, huyện có 10/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, một kết quả của nỗ lực, vì năm 2022 là thời gian các tiêu chí đạt chuẩn của nông thôn mới đã thay đổi theo hướng cao hơn theo Quyết định 318 của Chính phủ khiến không ít xã bị rớt chuẩn, phải cấp tập khắc phục. Và đồng thời cũng khiến những xã đang hành trình xây dựng trở nên áp lực hơn, nhất là trong 6 xã còn lại thì có 4 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Suốt một dải đất thuộc các xã Phan Điền, Phan Tiến, Phan Lâm, Phan Sơn đã hình thành những vùng cây ăn trái như xoài, mít, bưởi, sen, chuối… và năm qua đã thất bát ít nhiều, vì giá thấp. Những tháng đầu năm này đã khởi sắc trở lại, mang lại hy vọng, sẽ vượt qua mức thu nhập bình quân đầu người của năm 2022, khi cả 4 xã đang dừng ở mức 58,112 triệu đồng với Phan Sơn, 39,852 triệu đồng với Phan Điền, 39,168 triệu đồng với Phan Tiến và 38,952 triệu đồng với Phan Lâm.

bac-binh.jpg
Điện gió ở Hòa Thắng, Bắc Bình. Ảnh: Đ.Hòa

Gần giữa tháng 3 rồi, Thường trực Tỉnh ủy có cuộc họp nghe báo cáo và cho ý kiến chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng (đoạn qua tỉnh Bình Thuận). Động thái này đang tiến gần đến tương lai mở ra tuyến đường “thần thánh”, mở ra thương mại, dịch vụ và mở ra cả du lịch, khi hồ Sông Lũy hiện đang thu hút du khách gần xa tìm đến ngắm cảnh. Phải nhờ phát triển du lịch thì người dân ở 4 xã này mới có cơ hội bán được những sản vật nhà trồng, mới có việc làm phi nông nghiệp để nâng cao thu nhập, mới có thể đạt chuẩn thu nhập của xã nông thôn mới. Đây là chìa khóa để xã huy động sức dân tham gia xây dựng các tiêu chí khác trong xây dựng hạ tầng cơ sở của xã nông thôn mới. Bởi hiện tại các xã trên đều mới đạt từ 9 - 12 tiêu chí nông thôn mới, các tiêu chí còn lại phần lớn đều cần sự tham gia của sức dân như giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tăng thu nhập, xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại…

Điều đáng nói tuyến đường 28B mở rộng này không chỉ phát huy công năng kết nối vùng Tây Nguyên với Bình Thuận mà còn kết nối với tuyến cao tốc và các tuyến đường nội huyện khác dẫn đến Cụm công nghiệp Hải Ninh, Khu công nghiệp Sông Bình… Khi đường sá thông thoáng sẽ quyết định cho thu hút đầu tư, cho công nghiệp phát triển. Mà công nghiệp phát triển thì tạo công ăn việc làm, nâng thu nhập cho người dân để từ đây, Bắc Bình có điều kiện tiến lên xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ông Mai Văn Vụ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Bình cho biết, để nâng cao thu nhập người dân, trong thời gian tới huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung phát triển mạnh 3 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: Công nghiệp, du lịch, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển. Theo đó, bên công nghiệp, tạo điều kiện cho sự chuyển dịch lao động nông nghiệp sang các công ty may, da giày, nhà máy chế biến nông sản; bên du lịch, dịch vụ sẽ khuyến khích phát triển du lịch “Nhà vườn sinh thái thu hút du lịch”. Còn bên nông nghiệp thì khuyến khích dân trồng nông sản có chất lượng giá trị về mặt kinh tế cao, chăn nuôi quy mô lớn gắn bảo vệ môi trường và phát triển cơ sở hạ tầng.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chậm nhất 30/4, phải đưa cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo vào sử dụng
BTO-Đây là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trong buổi kiểm tra hiện trường Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây. Tham gia buổi kiểm tra có đồng chí Phan Văn Đăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Bắc Bình (1/6/1983 - 1/6/2023): Xây dựng nông thôn mới từ phát triển 3 trụ cột kinh tế