Theo dõi trên

Hướng đến thương hiệu lúa Gia An

17/10/2024, 05:10

Với sự chủ động trong tìm kiếm các giống lúa mới năng suất cao cùng với việc tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Gia An, xã Gia An, huyện Tánh Linh đã từng bước giúp bà con trong hợp tác xã (HTX) nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, nâng cao đời sống. Từ đó thu hút ngày càng nhiều người tham gia HTX.

Đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật

Năm 2015, HTX Dịch vụ nông nghiệp Gia An được thành lập với 12 thành viên. Khi đó, HTX gặp nhiều khó khăn khi nhận thức của một số hộ dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, người dân do tập tục sản xuất nhỏ lẻ nên khi tham gia vào HTX chưa thực sự mạnh dạn trong việc đầu tư đóng góp. Ngoài ra, HTX lúc đó gặp rất khó khăn về vốn hoạt động, chưa tiếp cận được các tổ chức tín dụng, thiếu thông tin về tư vấn chính sách tín dụng và không có tài sản để thế chấp… Việc huy động nguồn nhân lực để đảm đương quy trình phát triển gặp rất nhiều khó khăn.

5726979a309489cad085.jpg
Diện tích sản xuất lúa giống của HTX Gia An

Vào thời điểm đó, tất cả các thành viên chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa nên HTX Gia An đã xác định rõ định hướng hoạt động, hướng dẫn các hộ thành viên chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Những năm 2015, 2016, HTX Gia An liên tục cử người vào Cần Thơ để đi học quy trình sản xuất lúa tại Trung tâm Chuyển giao khoa học kỹ thuật của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long. Những thành viên tham gia sau khi học tập sẽ có trách nhiệm về truyền đạt lại cho bà con xã viên để từng bước nâng cao nhận thức về việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cũng như từ bỏ dần tập quán sản xuất lạc hậu trước đây. Cũng nhờ những năm tháng miệt mài đi học tập mà năm 2017, một hướng đi mới của HTX Gia An đã được mở ra.

HTX Gia An đã liên kết với Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long tiến hành sản xuất lúa giống. Để có kinh nghiệm sản xuất, HTX Gia An đã thuê 26 người từ Cần Thơ ra xã Gia An để hướng dẫn cấy cho đúng kỹ thuật và cách chăm sóc lúa cho đúng quy trình. Từ những người đã quen với cách thức sản xuất lúa truyền thống, nay tham gia sản xuất lúa giống không ít thành viên HTX than khó, thậm chí muốn bỏ cuộc. Bởi sản xuất lúa giống thì mọi khâu trong quá trình sản xuất đều phải kỹ lưỡng và tốn công hơn sản xuất lúa thương phẩm. Ngay từ khâu chọn giống, ngâm giống, cấy lúa phải đúng kỹ thuật, khoảng cách mà đơn vị liên kết quy định. Rồi công tác khử khuẩn, lọc lúa tạp cũng nhiều hơn. Lúa thương phẩm thì người dân chỉ cần 1, 2 lần lọc lúa tạp nhưng sản xuất lúa giống thì mất đến 4 lần. Tuy nhiên, tham gia sản xuất lúa giống người dân được hỗ trợ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí về phân, thuốc và được bao tiêu sản phẩm đầu ra, được mua lúa giống thấp hơn giá thị trường nên người dân cũng an tâm sản xuất. Năm 2023, HTX Gia An đã liên kết với Công ty Lộc Trời thực hiện cấy máy tại khu vực sản xuất lúa giống của HTX tại khu đồng Bắc Sông lô Ba Hạng với diện tích 25 ha giống lúa OM18. Ngoài ra, HTX thường xuyên liên kết sản xuất với Công ty chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp OMON Cần Thơ thực hiện nhân giống lúa xác nhận tại địa bàn xã. Trong các vụ trong năm 2023, HTX Gia An đã sản xuất trên 45 ha các giống lúa như: OM5451, OM18, OS20… đạt năng suất trên 5 tấn/ha, sản lượng liên kết tiêu thụ trên 225 tấn lúa giống/năm.

3e601dddbad3038d5ac2(1).jpg
Thành viên HTX Gia An chăm sóc lúa.

Hướng đến sản phẩm OCOP

Không chỉ tiên phong sản xuất lúa giống tại địa phương, HTX Gia An cũng là đơn vị tiên phong đưa các giống lúa mới về sản xuất. Năm 2019, HTX Gia An đã đưa giống lúa OM18 về địa phương trồng thử nghiệm và tổ chức hội thảo đầu bờ để bà con nông dân lựa chọn. Trước những đặc tính vượt trội, năng suất cao, sức chống chịu sâu bệnh tốt của giống lúa OM18 mà nhiều người dân trong HTX đã đăng ký mua giống để đưa vào sản xuất đại trà. Tuy nhiên, vì là giống lúa mới nên lúa OM18 khi đó thị trường chưa mấy mặn mà bị thương lái ép giá. Khi đó Hội đồng quản trị HTX Gia An đã phải đứng ra mua lúa cho bà con xã viên bằng với giá thị trường. Nhờ đó, thành viên HTX đã yên tâm sản xuất và đến nay giống lúa OM18 đã trở thành giống lúa chủ lực ở xã Gia An. Anh Nguyễn Đình Đông, thành viên tham gia HTX Gia An từ những ngày đầu cho biết: Việc tham gia HTX là một quyết định đúng đắn của anh. Bởi khi tham gia gia đình anh không chỉ được hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất lúa mà còn được đi tập huấn kỹ thuật ở các công ty, hội thảo về sản xuất lúa do các cơ quan đơn vị tổ chức, giúp bản thân các thành viên nâng cao thêm kiến thức, kinh nghiệm sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống của gia đình.

Cùng với sự nỗ lực của các thành viên HTX Gia An thì trong thời gian vừa qua, HTX đã nhận được sự hỗ trợ từ phía UBND xã Gia An và các phòng chuyên môn nghiệp vụ của huyện Tánh Linh. Ông Nguyễn Phú Yến, Chủ tịch UBND xã Gia An cho biết: Thời gian đầu khi mới thành lập, HTX Gia An hoạt động cầm chừng, chưa thể hiện rõ nét vai trò của mình. Nhưng thời gian sau này đã phát huy tốt vai trò, thể hiện được sự tiên phong, đi đầu trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, đưa giống lúa mới vào sản xuất cũng như tìm kiếm đầu ra ổn định cho bà con xã viên. Việc phát triển của HTX Gia An cũng góp phần quan trọng để xã Gia An hoàn thành các chỉ tiêu trong xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để HTX Gia An phát triển hơn trong thời gian tới, UBND xã đã có những chính sách hỗ trợ như: Ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi về nông nghiệp, giao khoán quỹ đất từ 15 đến 20 ha để HTX có quỹ đất chủ động trong sản xuất lúa giống ổn định. UBND xã cũng đã có kế hoạch giao cho HTX Gia An thực hiện dịch vụ thủy nông để chủ động về nước tưới, tiêu.

Sau 9 năm thành lập từ con số 12 thành viên ban đầu đến nay HTX Gia An đã có 61 thành viên. Việc liên doanh, liên kết giữa HTX Gia An với các doanh nghiệp bước đầu có hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho các HTX nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo lợi ích thiết thực cho hợp tác xã và xã viên. HTX Gia An đã góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, hỗ trợ cho nông dân và các xã viên tổ chức sản xuất nâng cao sản lượng nông sản hàng hóa. Huy động được các nguồn lực thúc đẩy ngành nghề phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động, đồng thời góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng và giải quyết được nhiều vấn đề xã hội. Tháng 8/2024, HTX Gia An đã được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cấp mã vùng trồng cho diện tích 15,5 ha sản xuất lúa. Đây là một điều kiện thuận lợi để HTX Gia An mở rộng quy mô sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu lúa Gia An.

NGUYỄN LUÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp tác xã
Thời gian qua, Bình Thuận đã triển khai các chính sách từ Trung ương thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể (KTTT). Trong đó, có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ; chính sách về tín dụng...
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến thương hiệu lúa Gia An