Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Tánh Linh (1/5/1983 - 1/5/2023): Nâng mức sống, giảm hộ nghèo

25/04/2023, 14:23

Kinh tế phát triển cũng tạo thuận lợi cho Tánh Linh có điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân, hướng đến tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững trên địa bàn toàn huyện.

Diện mạo của Tánh Linh đã có nhiều đổi thay sau 40 năm tái lập huyện thể hiện qua những thành tựu đáng ghi nhận: Nền kinh tế của huyện luôn đạt tốc độ tăng trưởng khá với quy mô giá trị (theo giá hiện hành) tăng từ 8,68 tỷ đồng năm 1983 lên 13.365 tỷ đồng năm 2023. Theo UBND huyện, thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 0,079 triệu đồng vào năm đầu tái lập huyện lên 55,8 triệu đồng dự ước trong năm 2023, tức tăng bình quân 17,82%/năm... Được biết, ngoài 4.327 hộ tham gia kinh doanh với tổng vốn đăng ký 1.253 tỷ đồng, địa phương còn có khoảng 250 doanh nghiệp, 15 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác hoạt động trên các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, công nghiệp, xây dựng, thương mại. Qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động với thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/tháng/người và kéo theo các dịch vụ khác cùng phát triển.

img_0031.jpg

Cùng với sự quan tâm của các cấp ngành, kinh tế phát triển cũng tạo thuận lợi cho Tánh Linh có điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống nhân dân, hướng đến tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững trên địa bàn toàn huyện. Kết quả tổng điều tra rà soát cho thấy trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây giảm từ 10,57% (với 2.525 hộ/9.624 khẩu) xuống còn 4,87% (1.304 hộ/4.740 khẩu), tức bình quân hàng năm giảm gần 1,2%. Ở giai đoạn 2016 - 2021, số hộ nghèo đầu kỳ tại địa phương chiếm tỷ lệ 9,97% thì đến cuối kỳ đã giảm mạnh xuống 3,03%. Thực hiện chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, số hộ nghèo đầu giai đoạn chiếm tỷ lệ 6,04% thì tính đến cuối năm 2022 vừa qua đã ghi nhận giảm 1% (tương đương 284 hộ). Đến nay, trên địa bàn huyện không còn đối tượng chính sách là hộ cận nghèo hoặc hộ nghèo.

Riêng năm 2022, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại Tánh Linh có tổng kinh phí 2.487 triệu đồng thông qua triển khai một số dự án trên địa bàn huyện. Nổi bật như đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn… Để giảm nghèo bền vững, địa phương thường xuyên khảo sát thực trạng và phân loại hộ nghèo, phát động phong trào đăng ký thoát nghèo trong đối tượng này để có chính sách hỗ trợ, hình thức giúp đỡ phù hợp. Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo có phương án, kế hoạch sản xuất cụ thể thông qua nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, giúp hộ nghèo tận dụng cơ hội thoát nghèo bền vững. Mặt khác còn tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể nhằm hướng dẫn hộ nghèo cách thức tổ chức sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ phát triển ngành nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình... Trong năm nay, Tánh Linh đặt mục tiêu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi theo quy định hiện hành của Nhà nước, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin... Do vậy tới đây địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp hỗ trợ hộ nghèo và tăng cường công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Song song đó, tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án được đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2025 và đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo.

Tại địa bàn Tánh Linh hiện có 3.710 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 14.100 khẩu, chiếm tỷ lệ 14,26% so tổng số hộ trên địa bàn huyện. Từ cuộc sống du canh du cư, bấp bênh không ổn định, của những năm đầu tái lập huyện, đến năm 2022, đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã có tổng diện tích sản xuất khoảng 2.700 ha, đạt bình quân 1,2 ha/hộ… Nhờ đó giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện từ hơn 25% (năm 1983) xuống còn 9,85% (năm 2022) và đường nhựa đã đầu tư đến trung tâm các xã, thôn, bản…

Đ.QUỐC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Xây dựng đời sống văn hóa nhiều sắc màu
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là phong trào) ở tỉnh ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Qua đó, góp phần ổn định an ninh chính trị, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tiến bộ và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày tái lập huyện Tánh Linh (1/5/1983 - 1/5/2023): Nâng mức sống, giảm hộ nghèo