Theo dõi trên

Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản: Triển vọng cho thị trường chế biến, xuất khẩu thủy sản

20/03/2024, 05:26

Hiện nay, ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản được tỉnh Bình Thuận xác định là ngành hàng chủ lực, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. So với những năm trước đây, các cơ sở, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong tỉnh đã chú trọng đầu tư, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả chế biến thủy sản.

Đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu

Là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng về chủng loại, sản lượng khai thác tăng hàng năm (năm 2023, sản lượng thủy sản khai thác đạt 235.277,9 tấn, tăng 26,1% so với năm 2013). Nuôi trồng thủy sản của tỉnh theo thời gian cũng được chuyển đổi từ nhỏ lẻ, lạc hậu sang thâm canh, công nghiệp, năng suất cao. Với sản lượng khai thác nuôi trồng hải sản hàng năm đạt 11.000 – 12.000 tấn, đã tạo điều kiện phát triển ngành chế biến thủy sản của tỉnh.

tau-thuyen-danh-bat-hai-san-o-phu-quy-anh-n.-lan-15-.jpg
Là 1 trong 3 ngư trường lớn của cả nước, nguồn lợi hải sản phong phú, đa dạng về chủng loại.

Trong 10 năm qua, số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu của tỉnh từ 12 doanh nghiệp đã tăng lên 31 doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp này đã đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa các trang thiết bị sản xuất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như đồ hộp, sushi, sashimi, surimi - chả cá, mực - cá fillet các loại, bạch tuộc, cồi điệp quạt… Còn với hàng khô thì có mực khô lột da cao cấp, cá chỉ vàng, bạch tuộc khô tẩm gia vị, cá cơm khô, ruốc khô, cá đổng, cá đục tẩm gia vị… đều là những mặt hàng hải sản xuất khẩu có thương hiệu của Bình Thuận, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh đều được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đều được chứng nhận và áp dụng chương trình quản lý chất lượng HACCP, tiêu chuẩn BRC… So với năm 2013, sản lượng thủy sản chế biến (đông lạnh) năm 2023 tăng 12,54%, sản lượng nước mắm tăng 28,24%; số cơ sở được chứng nhận HACCP tăng 170%.

che-bien-thuy-san-xuat-khau-anh-n.-lan-11-.jpg
Các doanh nghiệp đã đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa các trang thiết bị sản xuất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Không chỉ vậy, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và kết nối thành công 46 chuỗi với sản lượng sản phẩm an toàn, kiểm soát hơn 58.000 tấn/năm (trong đó, nước mắm, các sản phẩm dạng mắm 20 chuỗi với sản lượng 22,015 triệu lít/năm và sản phẩm mắm tôm, mắm ruốc 100 tấn/năm; đông lạnh 8 chuỗi với sản lượng kiểm soát 25.000 tấn/năm, khô 13 chuỗi với sản lượng kiểm soát hơn 5.000 tấn/năm và 5 chuỗi khác với sản lượng kiểm soát 5.060 tấn/năm). Đặc biệt, trong năm 2023, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng 3 chuỗi: Chuỗi cung ứng chả cá an toàn; Chuỗi cung ứng nông sản an toàn và mô hình thí điểm liên kết sản xuất và tiêu thụ thủy sản khô theo chuỗi giá trị trên địa bàn thị xã La Gi, với sản lượng kiểm soát khoảng 250 tấn và 50.000 lít nước trái cây lên men…

che-bien-thuy-san-xuat-khau-anh-n.-lan-5-.jpg
Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh đều được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Phát triển thị trường tiêu thụ

Để có được những kết quả đó, theo bà Ngô Minh Uyên Thảo – Chi Cục trưởng Chi cục QLCLNLTS Bình Thuận, hiện nay các sản phẩm về nông lâm, đặc biệt là thủy sản ngày càng phong phú và đa dạng, có sức tiêu thụ nội địa tốt. Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều biện pháp hỗ trợ cơ sở trong phát triển thị trường như thường xuyên thông tin thị trường, các dự báo cung cầu, quy mô và đặc điểm của từng thị trường để các cơ sở, doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất phù hợp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ sản phẩm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm thủy sản; hỗ trợ chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu. Ngoài ra, lập group kết nối các cơ sở/doanh nghiệp có nhu cầu cung ứng - tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, ngành Nông nghiệp còn phối hợp Sở Công Thương Bình Thuận giới thiệu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm thủy sản của tỉnh tham gia Hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh… Nhờ đó, các sản phẩm thủy sản tiêu thụ nội địa ngày càng được nâng lên, không chỉ vào các chợ, hệ thống siêu thị lớn trên cả nước, mà còn sử dụng các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để bán hàng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng sản phẩm thủy sản xuất khẩu, đến nay đã đến các châu lục trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn là: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Phi, Trung Đông, ASEAN...

che-bien-thuy-san-xuat-khau-anh-n.-lan-18-.jpg
Cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển chế biến thủy sản.

Để thị trường xuất khẩu thủy sản ngày càng bền vững, bên cạnh nội lực của các doanh nghiệp, thời gian tới, ngành chức năng cần có cơ chế chính sách thu hút đầu tư, phát triển chế biến thủy sản. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả chế biến thủy sản. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đầu tư công nghệ mới chế biến tinh, chế biến sâu sản phẩm thủy sản để nâng cao tỷ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm chế biến. Đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu (gồm hải sản từ khai thác, nuôi trồng và nguyên liệu thủy sản nhập khẩu) cho chế biến thủy sản đáp ứng nhu cầu, năng lực chế biến trong tỉnh theo nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu…

che-bien-thuy-san-xuat-khau-anh-n.-lan-14-.jpg
Các sản phẩm thủy sản đặc trưng của Bình Thuận.

Bên cạnh những thị trường xuất khẩu cũ, cần tập trung nguồn lực xúc tiến thương mại vào các thị trường tiềm năng khác. Duy trì cơ cấu xuất khẩu hợp lý giữa các thị trường nhằm giảm áp lực vào một thị trường và tạo sự biến đổi linh hoạt trong hoạt động xuất khẩu. Song song đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực, sản phẩm mới, sản phẩm giá trị gia tăng đến các nhà phân phối, hệ thống siêu thị Co. opmart, Lotte mart, VinMart… và người tiêu dùng. Quan tâm đầu tư cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm phục vụ nhu cầu cho dân địa phương lẫn khách du lịch.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 370 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản tươi, đông lạnh và khoảng 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 214,77 triệu USD tăng 129,7% so với năm 2013 (2013 đạt 93,5 triệu USD).

MINH VÂN, ẢNH: N. LÂN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sản xuất, chế biến thủy sản: Khó khăn nguồn nguyên liệu
 BT- Nguồn nguyên liệu không dồi dào cộng với ảnh hưởng dịch bệnh  Covid – 19 khiến các công ty xuất khẩu thủy sản cũng bị chậm lại những đơn hàng…
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản: Triển vọng cho thị trường chế biến, xuất khẩu thủy sản